Huyện Văn Giang - Nguồn lực phát triển

Đăng ngày 29 - 11 - 2004
100%

Nằm kề Thủ đô Hà Nội, Văn Giang có lợi thế tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (với các chủng loại sản phẩm thế mạnh như gạo ngon, rau sạch, hoa quả tươi, cây cảnh...), đồng thời có điều kiện tốt để phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ và phát triển đô thị.

1. Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý: Văn Giang là huyện nằm ở phía tây bắc tỉnh Hưng Yên, phía bắc và tây bắc giáp thành phố Hà Nội, phía nam giáp huyện Khoái Châu, huyện Văn Lâm, phía đông giáp huyện Yên Mỹ, phía tây giáp tỉnh Hà Tây, có 11 đơn vị hành chính, gồm 10 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích 71,79 km2.

Đặc điểm địa hình: Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, huyện có địa hình tương đối bằng phẳng. Do nằm ở ven sông Hồng, chịu ảnh hưởng của 18 năm liền vỡ đê thời Tự Đức nên độ cao đất đai trong huyện không đồng đều và hình thành các dải cao thấp khác nhau theo dạng hình sóng. Đất có địa hình cao thuộc các xã Xuân Quan, Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Cửu Cao và thị trấn Văn Giang. Đất có địa hình thấp thuộc các xã Phụng Công, Long Hưng, Tân Tiến, Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc.

Với địa hình trên, Văn Giang có lợi thế trong việc phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện, đồng thời còn có tiềm năng phát triển đô thị.

Khí hậu: Văn Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt. Tuy nhiên nền nhiệt giữa các mùa không chênh lệch nhiều (trung bình hàng tháng là 230C). Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ dao động hàng tháng từ 250-280 . Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ dao động từ 150-210. Số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.450 giờ, lượng mưa trung bình 1.575 mm, độ bốc hơi bình quân 886 mm. Độ ẩm không khí từ 80-90%.

Có thể nói điều kiện khí hậu thủy văn rất thuận tiện cho Văn Giang phát triển sản xuất nông nghiệp, thâm canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Trồng cây ăn quả là thế mạnh của huyện Văn Giang
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 71,79 km2 trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 50,32 km2 (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên); đất chuyên dùng: 12,31km2 (chiếm 17,1%); đất ở: 6,12 km2 (chiếm 8,7%), đất chưa sử dụng: 3,04 km2 (chiếm 4,2%).

Tài nguyên nước: Văn Giang có nguồn nước từ sông Hồng và sông Bắc Hưng Hải. Nguồn nước mặt đảm bảo cung cấp phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Hiện tại, nước cho sinh hoạt được lấy từ nguồn nước ngầm do dân và các tổ chức tự khai thác là chủ yếu. Nước cho sản xuất nông nghiệp được lấy từ các trạm bơm dọc theo hệ thống sông Bắc Hưng Hải.

3. Kết cấu hạ tầng

Cấp điện: Huyện Văn Giang được cấp điện bằng hệ thống lưới điện 34KV. Hiện đã có 100% thôn, xã và 100% số hộ dân được dùng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Cấp nước: Số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 80%. Hệ thống cấp nước sạch mới chỉ tập trung ở huyện lỵ, các khu vực nông thôn dùng nước giếng khoan hộ gia đình.

Giao thông: Đến nay, các tuyến đường 207A,B,C, 205A,B, 195, 199B, 179 đã được cải tạo, nâng cấp; làm mới đường nội thị, đường liên xã Liên Nghĩa - Long Hưng. Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được rải nhựa, bê tông hoặc vật liệu cứng. Từ năm 1999 đến hết năm 2003 đã có 16,21 km đường nhựa, 5,7 km đường bê tông, 27 km đường đá cấp phối do huyện quản lý được cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn đầu tư là 23.780 triệu đồng. Nhìn chung mạng lưới giao thông phân bố khá đồng đều trên địa bàn huyện.

Thông tin liên lạc: Toàn huyện có 3 tổng đài, tỷ lệ điện thoại  đạt bình quân 5,2 máy/100 dân. Hệ thống viễn thông đã được số hóa hoàn toàn, toàn huyện có 3 bưu cục và 6 điểm bưu điện văn hoá xã, 100% xã có báo đọc trong ngày và có đường dây điện thoại.

4. Nguồn nhân lực

Tính đến cuối năm 2003, dân số huyện Văn Giang là: 94.859 người, nữ là: 49.051 sinh sống ở 10 xã và 1 thị trấn. Mật độ là 1321 người/ km2 . Dân số nông nghiệp chiếm khoảng 91%, dân số phi nông nghiệp chiếm 9%.

Theo số liệu thống kê hàng năm, nhịp độ tăng dân số tự nhiên huyện Văn Giang như sau:

  • Năm 2000 tăng 1,19%.
  • Năm 2001 tăng 1,15%.
  • Năm 2002 tăng 0,98%.
  • Năm 2003 tăng 0,99%.

Lao động trong độ tuổi năm 2000 có 42.735 người (trong đó có 26.186 lao động nông nghiệp) chiếm tỷ trọng 46,5% dân số; năm 2003 có 44.450 người (trong đó 26720 lao động nông nghiệp) chiếm 46,9% dân số. Số người chưa có việc làm chiếm khoảng 5 - 6 %.

Là huyện tiếp giáp với thủ đô Hà Nội nên trình độ văn hóa của lực lượng lao động tương đối cao, số lao động có trình độ văn hóa THPT chiếm khoảng 50% lao động.

5. Tiềm năng du lịch

Huyện Văn Giang có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch nghỉ ngơi cuối tuần,... ở các xã dọc tuyến sông Hồng như Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, thị trấn Văn Giang, Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở.

Một số di tích thắng cảnh tiêu biểu: 

  • Đền Ngò, Đền Đầu, Đình Bến

Cả hai ngôi đền trên đều ở xã Phụng Công. Tương truyền khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa kéo qua vùng này đã được tộc trưởng họ Trần mang dân binh ra đón rước. Khi Hai Bà Trưng thua trận, Phụng Công lập đền thờ. Ngày lễ hội Hai Bà, hai cỗ kiệu được rước từ Đền Ngò ra đặt tại Đình Chạ để tiến hành rước nước. Khi lấy nước về rồi thì đám rước với cờ, quạt, nhà nhạc, chiêng trống oai hùng về đền Đầu. Tại đây diễn ra cuộc hành lễ trọng thể. Tế lễ xong, nhân dân lại rước kiệu trở về đền Ngò.

Trên cánh đồng Phụng Công còn có Bãi Yến (di tích nơi Hai Bà khao quân); giếng Dạ (nơi lấy nước cho Voi của Hai Bà) và đồng Chầu - nơi Hai Bà luyện quân.

Đình Bến là nơi thờ sứ quân Lã Tá Đường - vị tướng chiếm giữ đất Tế Giang (năm 945) tức huyện Văn Giang ngày nay. Đây cũng là nơi lực lượng Việt Minh Văn Giang tổ chức cuộc mít tinh lớn tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

  • Chùa Nhạn Tháp, chùa Phú Thị, chùa Mễ Sở

Chùa làng Nhạn Tháp xã Mễ Sở xây trên nền cũ dinh quan Thái uý Trần Ngô Lương - một trong những tướng giỏi của nhà Trần đã trực tiếp đánh bại quân Nguyên Mông ở trận Đông Bộ Đầu. Trong chùa Nhạn có một sập đá tương truyền do quan Thái Uý trong một trận đi đánh Chiêm Thành mang về. Sập đá do nhiều khối đá lớn ghép lại nhẵn bóng.

Ngoài chùa Nhạn Tháp, Mễ Sở còn có chùa Phú Thị với kiến trúc cổ, nơi chứa cán bộ hoạt động cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa Mễ Sở với tượng phật bà nghìn mắt, nghìn tay nổi tiếng.

  • Chùa Khúc Lộng

Chùa Khúc Lộng thuộc xã Vĩnh Khúc. Trong chùa Khúc Lộng có một bệ đá lớn; cao hơn một mét, rộng gần hai mét, dài khoảng 4m. Bệ đá khắc trạm hoa sen rất đẹp, bên trên là ba pho tượng lớn Tam Thế.

Chùa Khúc Lộng còn là di tích kháng chiến chống Pháp. Dưới bệ thờ các tượng Phật là hầm bí mật của cán bộ, du kích được sư cụ nuôi giấu, bảo vệ.

  • Chùa ông Khổng.

Chùa ông Khổng làng Công Luận thị trấn Văn Giang thờ Khổng Minh Không theo truyền thuyết Khổng Minh Không là một danh y có công cứu khỏi bệnh cho vua nhà Lý. Để trả ơn, nhà vua ban cho Khổng Minh Không được vào kho lấy đồng về đúc chuông. Khi chuông đánh lên, một con Trâu vàng tưởng là con nó chạy từ xa chạy tới. Trâu vàng lồng lên tìm kiếm khắp nơi mà không thấy con. Những vết chân dẫm đạp của trâu tạo thành sông Kim Ngưu, nơi nó nằm là làng Đa Ngưu.

Chùa ông Khổng là một ngôi chùa đẹp. Hàng năm từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tết nguyên đán mở hội rất to. Chùa ở ngay ven đê sông Hồng, gần ngã ba rẽ vào thị trấn Văn Giang nên khách du xuân về lễ phật, lễ thánh, xem hội rất đông.

Tin mới nhất

Đình Đa Ngưu - Đình trăm cột(10/11/2020 9:46 SA)

Phụng Công tổ chức đại hội hội sinh vật cảnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2018-2023(04/10/2018 4:14 CH)

Địa chỉ thư công vụ các đơn vị(04/04/2018 4:13 CH)

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC BỘ MÁY(04/04/2018 2:48 CH)

Danh nhân Văn Giang(07/10/2016 3:32 CH)

Văn Giang - Lịch sử, Văn hóa(28/09/2016 3:31 CH)

Giới thiệu chung(22/11/2010 10:25 SA)

Bản đồ hành chính huyện Văn Giang(16/06/2010 10:25 SA)

°
247 người đang online