Huyện Văn Giang - Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

Đăng ngày 29 - 11 - 2004
100%

1. Đánh giá tổng quát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội

Trồng cây cảnh mang lại nguồn lợi lớn
Tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân đạt trên 9%, trong đó năm 2000 tăng 8,07%, năm 2001: 8,51%, năm 2002: 9,27%, năm 2003: 10,14%. Cơ cấu kinh tế (nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương nghiệp, dịch vụ) chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cơ cấu năm 2000 là: 58,31 - 17,74 - 23,95; năm 2001: 52,14 - 17,94 - 29,92; năm 2002: 50,73 - 17,54 - 31,73, năm 2003: 49,06 - 18,97 - 31,96. Tổng giá trị thu nhập từ 316 tỉ đồng  (năm 2000) lên 442,4 tỉ  đồng (năm 2003). Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2000 đạt 3,45 triệu đồng/người, năm 2001 đạt 4,09 triệu đồng, năm 2002 đạt 4,51 triệu đồng, năm 2003 đạt 4,7 triệu đồng. Giá trị thu  được trên 1 ha đất canh tác tăng hàng năm, năm 2003 đạt 43,5 triệu đồng.

Tỷ lệ phát triển dân số năm 2003 là 0,99%. Trong hai năm 2001.2002 đã tạo thêm việc làm cho 5.068 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,17% năm 2001 xuống cuòn 4,3% vào năm 2003. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa  được đẩy mạnh. Nếu như năm 1999 toàn huyện mới có 22 làng văn hóa và 11.050 gia đình văn hóa thì đến nay đã có 40/78 làng văn hóa, 41 cơ quan, đơn vị văn hóa và 18.520 gia đình văn hóa. Các chế độ chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, đối tượng hưu trí, mất sức  được chi trả kịp thời, đầy đủ. Đã xây dựng, bàn giao được 22 nhà tình nghĩa và 18 nhà tình thương cho các đối tượng chính sách và các hộ nghèo. Huyện Văn Giang đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2001; toàn huyện đã có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. 64% trạm xá xã có bác sĩ. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được coi trọng. Trung tâm y tế huyện được cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế. Bảo hiểm y tế được mở rộng

2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

Nông nghiệp

Nông nghiệp những năm qua phát triển khá toàn diện, đều được mùa, cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị thu trên 1 ha đất canh tác ngày càng tăng do việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (mỗi năm huyện chuyển đổi được trên 200 ha đất trồng lúa và cây màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao) theo tinh thần nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện. Năm 2000 thu bình quân 35,28 triệu/ ha, năm 2001 - 38,66 triệu, năm 2002: 41,2 triệu, năm 2003:  43,5 triệu (có trang trại thu trên 100 triệu/ ha). Chăn nuôi phát triển mạnh, mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại ngày càng nhiều (toàn huyện đã có 118 trang trại). Đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi thuỷ sản phát triển mạnh làm cho cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển  đổi tích cực theo hướng giảm tỷ lệ trồng trọt, tăng tỷ lệ chăn nuôi và dịch vụ. Với những kết quả đã đạt được Văn Giang được  tỉnh đánh giá là huyện đi đầu trong việc  chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Công tác phòng chống lụt bão úng, tu bổ đê điều và các công trình thuỷ lợi hàng năm  được đặc biệt quan tâm. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão úng các cấp đã tích cực hoạt động đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa lũ. Các sự cố và các vi phạm pháp lệnh bảo vệ đê điều được xử lý ngay từ lúc phát sinh.

Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển. Đã triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết 36 của Huyện uỷ về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề huyện Văn Giang giai đoạn 2003 - 2010. Một số nghề truyền thống được khôi phục, nghề mới đang hình thành và phát triển. Cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh từ khâu làm đất đến thu hoạch và chế biến sản phẩm. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng, năm 2000 đạt 28.016 triệu đồng, năm 2003 đạt 47.450 triệu đồng 6 tháng đầu năm 2004 đạt 25.073 triệu đồng. Dự án cho vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã kích thích sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động (trong nhiệm kỳ đã giải quyết cho 92 dự án vay tổng số tiền là 1.554,5 triệu đồng). Từ huyện đến các xã, thị trấn đều đã thành lập Ban chỉ đạo vận động và tiếp nhận dự án. Chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện đã có hiệu quả bước đầu. Đến nay có 20 dự án được phê duyệt đã và đang đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Văn Giang.

Do phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp bước đầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Huyện đã hoàn thành đề án quy hoạch KCN làng nghề gốm sứ Xuân Quan.

Thương mại  dịch vụ

Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hàng hóa ngày càng phong phú, mua bán thuận tiện. Đã triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết 37 của Huyện uỷ về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái huyện Văn Giang giai đoạn 2003 - 2010. Dự án phát triển khu đô thị thương mại - du lịch ở các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao và dự án  cụm công nghiệp làng nghề gốm sứ Xuân Quan, đang được triển khai thực hiện.

Về dự án xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch: Từ khi tái lập huyện lãnh đạo huyện đã có chủ trương xây dựng khu đô thị Văn Giang và đã  lập dự án quy hoạch ở 4 xã: thị trấn Văn Giang - Phụng Công - Cửu Cao - Long Hưng, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện  đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (quy hoạch đã được các cấp phê duyệt). Từ khi cầu Thanh Trì khởi công xây dựng huyện đề nghị với tỉnh cho xây dựng quy hoạch khu đô thị Thương mại - du lịch Văn Giang và tuyến đường nối từ cầu Thanh Trì xuống đường 39A qua khu đô thị du lịch sinh thái Văn Giang. Dự án đã được tỉnh và Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, của Chính phủ đối với sự phát triển của Văn Giang. Hiện  nay dự án Khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang đang triển khai các  bước giải phóng mặt bằng.

Cùng với phát triển nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và lợi thế gần thị trường Hà Nội, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của huyện đã góp phần đây mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân trong huyện và tạo cơ hội để phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Đình Đa Ngưu - Đình trăm cột(10/11/2020 9:46 SA)

Phụng Công tổ chức đại hội hội sinh vật cảnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2018-2023(04/10/2018 4:14 CH)

Địa chỉ thư công vụ các đơn vị(04/04/2018 4:13 CH)

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC BỘ MÁY(04/04/2018 2:48 CH)

Danh nhân Văn Giang(07/10/2016 3:32 CH)

Văn Giang - Lịch sử, Văn hóa(28/09/2016 3:31 CH)

Giới thiệu chung(22/11/2010 10:25 SA)

Bản đồ hành chính huyện Văn Giang(16/06/2010 10:25 SA)

°
457 người đang online