Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Đăng ngày 31 - 10 - 2016
100%

Nhớ về những ngày tháng hào hùng cùng nhân dân cả nước nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, những cụ cao niên xã Long Hưng vẫn vẹn nguyên những ký ức của ngày tháng lịch sử ấy không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại

Nhớ về những ngày tháng hào hùng cùng nhân dân cả nước nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, những cụ cao niên xã Long Hưng vẫn vẹn nguyên những ký ức của ngày tháng lịch sử ấy không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại: Từ những hạt nhân và cơ sở cách mạng đã được chuẩn bị trước, năm 1945, tại thôn Như Lân, một số thanh niên đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các tổ chức cứu quốc, xây dựng cơ sở cách mạng tại những địa phương lân cận, hình thành những cơ sở cách mạng liên hoàn rộng lớn trong huyện. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh bộ Việt Minh Bắc Ninh,  đội “thanh niên cứu quốc” các làng Như Lân, Như Phượng, Ngọc Bộ phối hợp với nhân dân các xã liền kề tổ chức phá kho thóc của Nhật ở Văn Giang và Bần Yên Nhân. Tháng 7.1945, phong trào cách mạng tại huyện Văn Giang có bước phát triển mạnh mẽ, các tổ chức đoàn thể được mở rộng và hoạt động tích cực đã phá vỡ tổ chức của Nhật, các cuộc đấu tranh tham gia cướp chính quyền nhanh chóng được lan rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Đến tháng 10.1945, cả khu Như Lân và Ngưu Giang thành lập xong chính quyền cách mạng. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng vừa sản xuất, vừa chiến đấu ra sức mình đóng góp sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Nghe theo tiếng gọi của đất nước, hàng trăm người con ưu tú của xã đã lên đường vào chiến trường, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ và giữ trọn lời thề “ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”. Những người con của quê hương Long Hưng đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc. Và không ít trong số những người con đó, nhiều người vĩnh viễn mãi không trở lại.

Qua 2 cuộc kháng chiến, đã có 210 người con của Long Hưng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, có 108 thương binh, 55 bệnh binh, 13 mẹ liệt sĩ được Đảng, nhà nước tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gần 1 nghìn đồng chí được tặng thưởng huân, huy chương các loại, 57 gia đình được Chính Phủ tặng bằng khen vì có thành tích đối với cách mạng, 13 gia đình được tặng “Bảng vàng danh dự”. Đặc biệt, với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ của dân tộc, năm 1966, xã Long Hưng được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho những cống hiến đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

          Sau ngày đất nước giải phóng, phát huy tinh thần quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hưng đã không ngừng nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thay đổi diện mạo nông thôn. Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, người dân cần cù lao động, gần thị trường lớn Hà Nội, xã Long Hưng khuyến khích người dân thâm canh, sản xuất rau màu hàng hóa như: Bí xanh, mướp, cà chua, rau gia vị… đem lại năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, xã tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các chân ruộng kém hiệu quả, phù hợp với chủ trương chung của tỉnh, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, công tác chăn nuôi, công tác tiêm phòng dịch bệnh, quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư được xã quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn xã có khoảng 54 trang trại, hơn 100 gia trại vừa và nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên 51 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản hàng năm ước đạt trên 1 nghìn tấn. Giá trị thu từ nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66 tỷ đồng, đạt trên 49% kế hoạch năm. Chiếm 36% cơ cấu kinh tế toàn xã, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xã quan tâm khôi phục và phát triển. Đến nay, có trên 10 doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất giấy, vở học sinh, sản xuất ván ép gỗ, hoạt động vận tải… tạo việc làm cho trên 400 lao động địa phương tham gia làm việc với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với chính sách tạo điều kiện của xã, các hộ dân mạnh dạn vay vốn, mở rộng các xưởng sản xuất ngành nghề tiểu thủ cong nghiệp như: May, gò hàn, sản xuất tủ tôn… Các hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Toàn xã hiện có trên 120 xe ô tô các loại, 5 máy làm đất, trên 300 hộ kinh doanh vận tải, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa tại chợ trung tâm xã thu hút đông đảo các tiểu thương tham gia, hạn chế tình trạng họp chợ cóc ven đường. Các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã trung bình đạt 35 triệu đồng/người/năm.

          Đồng chí Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: Nhờ chú trọng phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt tạo điều kiện phát huy các thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo mới ở xã. Năm 2011, sau khi được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhân dân Long Hưng đã đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến 2014, toàn xã đã đầu tư trên 335,2 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp là trên 201 tỷ đồng. Đến nay, xã Long Hưng đã khoác lên mình chiếc áo mới, các công trình cơ sở, hạ tầng thiết yếu của địa phương đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng, 100% tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, các cấp học và trạm y tế được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học và khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân, 100% các thôn có nhà văn hóa và được xây dựng đạt chuẩn, 7/7 thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa liên tục 5 năm trở lên, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng lên, tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách, tạo cơ hội cho hộ nghèo thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

          Để đạt được những kết quả trên là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm, đoàn kết của nhân dân địa phương. Chứng kiến những đổi thay từng ngày của quê hương, các bậc cao niên, lão thành cách mạng địa phương đều bày tỏ sự vui mừng trước diện mạo mới của xã, những ngôi nhà khang trang được mọc lên san sát, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển trong mọi tầng lớp là minh chứng cho quyết định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong mọi thời kỳ cách mạng của dân tộc. Mảnh đất được đánh đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của các chiến sĩ cách mạng đang đơm hoa, kết trái, một cuộc sống ấm no, yên vui hiện hữu là những tri ân lặng lẽ cho những người đã hy sinh cho mảnh đất Long Hưng hôm nay.

Tin mới nhất

°
21 người đang online