19/04/2024 | lượt xem: 4 Áp dụng công nghệ số giúp DN quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải Chuyển đổi số sẽ tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero. Đây là nhận định của ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” do Báo Điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) diễn ra ngày 17/4. Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Theo ông Trần Minh Tuấn, đổi mới công nghệ chính là chìa khóa phát triển kinh tế số và kinh tế xanh. Theo đó, chuyển đổi số sẽ tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero. Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo). Chuyển đổi số cũng giúp chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu; Cho phép tổ chức lại các nguồn lực đổi mới xuyên vùng, miền thông qua các nền tảng số. Đặc biệt khi áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu Net-zero bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 3 xu hướng chính là phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa. Dẫn báo cáo của EconomySEA, ông Trần Minh Tuấn cho biết, Việt Nam được đánh giá là có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ TT&TT ước tính, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Kinh tế số năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Năm 2022 trong tỷ trọng 14,26%, kinh tế số ngành, lĩnh vực mới chỉ chiếm tỷ trọng hơn 5%. Trong khi đó, con số này tương ứng của Trung Quốc năm 2021 là 32,5%. Đột phá chính để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam là kinh tế số ngành, lĩnh vực. Như vậy, ông Trần Minh Tuấn nhận định, Việt Nam đang có những cơ hội khi kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Khi phát triển kinh tế số sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số cũng gặp phải những thách thức như hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu, vấn đề rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Như vậy quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Lấy ví dụ về chuyển đổi số từ từ một số mô hình cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng như trường hợp của Rạng Đông, đơn vị này đã đi thẳng vào phân khúc sản phẩm “thông minh” nhờ những nghiên cứu công nghệ vật lý/sinh học nhúng trong sản phẩm của mình phù hợp với ngữ cảnh Việt Nam. “Thông minh hóa” dây chuyền sản xuất di sản cũ; chuyển đổi số cái cũ chiếm ít nhất 50% tỉ trọng công việc. Làm chủ, thiết kế, sáng tạo công nghệ sản xuất bằng Make in Viet Nam. Kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ số Việt như FPT, Viettel, VNPT... làm giàu hệ sinh thái Make in Viet Nam. Chọn chuẩn mở để tham gia cuộc chơi lớn. Hay chuyển đổi số trong ngành logistic tại một số đơn vị như câu chuyện của cụm 700 nhà kinh doanh cây cảnh tại Vĩnh Phúc đã đạt sản lượng phục vụ lên tới 20.000 đơn hàng/ngày, cây đi nội tỉnh được giao trong ngày, nội miền giao trong 24 giờ và liên miền chỉ trong 55h. Hay câu chuyện về cảng biển thông minh, Bộ Bộ GTVT triển khai nền tảng chuyển đổi số cảng biển và kết nối các cảng biển được 25/145 cảng biển trên toàn quốc, sử dụng nền tảng số Make in Việt Nam. Chi phí chỉ bằng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài. Trước đây, 1 lệnh giao nhận container có trung bình 11 điểm dừng, cần 6 - 8 giờ để hoàn thành. Hiện nay, chỉ cần 1 điểm dừng với 2 - 3 phút để hoàn thành, tương đương với Singapore. Mô hình chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), hơn 70% tiểu thương (khoảng 200 hộ kinh doanh) tại chợ trung tâm đã mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt. Từ những dẫn chứng cụ thể như trên, ông Trần Minh Tuấn nêu quan điểm, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực. Các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương cùng tham gia sáng tạo và triển khai ứng dụng số để phổ cập các tiện ích số cơ bản gồm danh tính số, chữ ký số cá nhân, thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử. Quản trị số bao gồm chính phủ số, đô thị thông minh và quản trị kinh tế số giúp nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế trước tác động bên ngoài. Các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương cũng cần mở dữ liệu để các ứng dụng AI hỗ trợ theo dõi giám sát, cảnh báo sớm và dự báo những tác động lên kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và kịp thời. Đồng quan điểm, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN cho rằng, đổi mới công nghệ có vai trò quan trong để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN "Kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo", ông Chử Đức Hoàng nhấn mạnh. Nguồn tin: baohungyen.vn
Huyện Văn Giang: Lập trên 40 hồ sơ điện tử phục cụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp