07/10/2016 | lượt xem: 62 Danh nhân Văn Giang Danh nhân Văn Giang 1. Chu Mạnh Trinh tên tự là Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Sinh thời, ông là người nổi tiếng với tài văn thơ ứng biến và khả năng kiến trúc đại tài. Chu Mạnh Trinh sinh trong một gia đình có truyền thống Nho học, thân phụ ông là Chu Duy Tĩnh làm quan đến chức Ngự sử. Chu Mạnh Trinh học rất thông minh. Năm 19 tuổi, đỗ Tú tài. Năm 25 tuổi, đậu giải Nguyên. Năm 31 tuổi, thi đỗ tam giáp Tiến sĩ ( niên hiệu Thành Thái thứ tư ), nên người đương thời gọi ông là ông nghè Phú Thị. Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh Sau khi đổ tam giáp Tiến sĩ, Chu Mạnh Trinh được bổ làm tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tương truyền, ông làm quan công minh chính trực. Có lần ông đã phạt đánh một tu sĩ người Pháp có hành động cậy thế lộng hành. Làm tri phủ ít lâu, thân phụ ông mất, Chu Mạnh Trinh xin cáo quan về cư tang. Mãn tang, ông được giao chức Án sát tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thái nguyên. Chu Mạnh Trinh là một nhà nho nổi tiếng ở sự phóng khoáng hào hoa, thành thạo cả cầm, kì, thi, họa và còn giỏi cả về kiến trúc. Năm 1905, Tổng đốc Hưng Yên là Lê Hoan tổ chức cuộc thi vịnh Kiều, chánh chủ khảo là nhà thơ Nguyễn Khuyến, ChuMạnh Trinh được giải nhất về thơ Nôm. Ông say mê truyện Kiều, cảm thông đồng điệu với nhân vật Thúy Kiều đến mức sáng tác cả một tập thời Nôm về Kiều ( Thanh Tâm tài nhân thi tập). Bài tựa truyện Kiều viết bằng tiếng Hán văn (do Đoàn Quy dịch ra tiếng Việt) là một áng văn phẩm bình dâu sắc về Truyện Kiều, thế hiện phong cách cũng như văn chương củaChu Mạnh Trinh. Đền Đa Hòa, xã Bình Minh huyện Khoái Châu ghi đậm dấu ấn kiến trúc của Chu Mạnh Trinh Mang phong cách nhà nho tài tử, trong hoàn cảnh xã hội phong kiến suy tàn, thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông có khuynh hướng thoát ly, hưởng lạc. Nhưng những sáng tác của ông lại thể hiện tình cảm yêu nước, đề cao văn hóa dân tộc. Ông thích ngao du thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử, ngâm vịnh thi phú. Những bài ca trù, nhất là bài Hương Sơn phong cảnh ca được viết rất điêu luyện, giàu tình cảm thiên nhiên, tình yêu đất nước. Tác phẩm của ChuMạnh Trinh giàu tính nhân văn, biểu lộ khuynh hướng lãng mạn, tình cảm chủ nghĩa. Thơ chữ Hán có tập Trúc Văn thi tập. Thơ Nôm có tập Thanh Tâm tài nhân thi tập. Chu Mạnh Trinh còn là một nhà kiến trúc có tài. Ông là người vẽ kiểu trùng tu chùa Thiên Trù ( chùa ngoài động Hương Tích) và xây dựng đền Đa Hòa, đền Hóa Dạ Trạch, hai ngôi đền thờ Chử Đồng tử - Tiên Dung ở huyện Khoái Châu. 2. Nhà Cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu Tô Hiệu sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927 Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt thị xã Hải Dương và sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá truy điệu Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu. Năm 1928, vào Sài Gòn, cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929 ông là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934, Tô Hiệu mãn hạn tù. Không chịu được sự quản thúc của chính quyền thực dân ở địa phương, ông trốn đi Hà Nội hoạt động và được phân công xây dựng cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên. Mặc dù bị ho lao do kết quả 4 năm tù khắc nghiệt tại Côn Đảo, Tô Hiệu vẫn hăng hái công tác và năm 1936 được cử vào Ban thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn. Cuối năm 1938, Tô Hiệu được phân công phụ trách miền Duyên hải Bắc Kỳ. Tại Hải Phòng, Tô Hiệu hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh. điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng, bắt đầu từ tháng 4/1939 đến ngày 21 tháng 5/1939. Tô Hiệu chỉ đạo chi bộ Đảng nhà máy Tơ lãnh đạo tranh đấu, liên hệ với báo Đời Nay, yêu cầu đưa tin ủng hộ, gặp tổ chức Thanh niên dân chủ Pháp và Thanh niên dân chủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ. Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng gây được tiếng vang lớn, được Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang hoạt động ở nước ngoài quan tâm chú ý. Ngày 30 tháng 5 năm 1939 Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước của hàng ngàn công nhân tiểu thương và lao động thành phố Hải Phòng. Thực dân Pháp bắt 72 người biểu tình, trong đó có Tô Hiệu; nhưng Tô Hiệu thoát được ra ngoài. Tháng 10 năm 1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B (sau đó gọi là liên tỉnh B) trong đó Tô Hiệu làm Bí thư Khu uỷ, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu uỷ B. Trước sự đàn áp của thực dân Pháp đối với phong trào, Tô Hiệu chuyển hướng hoạt động từ công khai rút vào bí mật, sàng lọc cán bộ công khai. Trong suốt thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, Tô Hiệu với cương vị Bí thư Khu uỷ B đã không thành lập Thành uỷ Hải Phòng mà trực tiếp lãnh đạo phong trào. Ngày 1 tháng 12 năm 1939, Tô Hiệu bị bắt tại một cơ sở in ở xóm Hạ Lý, khu vực nhà máy chỉ và bị tra tấn. Bị kết án 5 năm tù, Tô Hiệu bị kết án tù tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng, tham gia công tác tuyên truyền cách mạng và đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù. Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1944 tại nhà tù Sơn La sau một thời gian bị lao phổi. Ông mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự khâm phục kính trọng cua những đồng chí, bạn tù và dồng bào các dân tộc Sơn La. Cuộc đời tuy ngắn ngủi với 18 năm hoạt động cách mạng, nhưng những cống hiến của ông cho phong trao cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng Sơn La nói riêng thì thật là to lớn. Đại tướng Nguyễn Văn Dũng đã nói: Trong số trăm ngàn liệt sỹ đã hi sinh vì nước, vì dân, đồng chí Tô Hiệu nổi lên như một người mà chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù thực dân, đế quốc chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng mà trái lại, nó trở lên như một thứ lửa vàng, hun đúc để trở thành gang thép. 3. Dương Quảng Hàm "Nhà giáo - nhà nghiên cứu lịch sử văn học" Dương Quảng Hàm sinh ngày 14- 07- 1898 mất năm 1946 hiệu là Hải Lượng, quê làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cụ nội là Dương Duy Mạnh (1804- 1861), từng làm đốc học Hà Nội. Một trong nhưng người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục, trường cách mạng đầu tiên của thành phố Hà Nội chính là thân phụ của ông Dương Trọng Phổ và anh trai cả là Dương Bá Trạc, em là Dương Tụ Quán đều là những danh sĩ có tiếng đương thời. Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm Thủa nhỏ ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, đĩnh ngộ. Khi nhỏ ông học chữ nho, song ông chuyển sang tây học sớm nhưng ông đã kịp tiếp thu vốn nho học của ông cha đó chính là nền tảng sau này ông trở thành người uyên bác về Hán học. Năm 1920, Dương Quảng Hàm tốt nghiệp thủ khoa trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương với tiểu luận "Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ. Từ năm 1920 đến năm 1946 ông là giáo viên trường Bưởi (tức trường trung học bảo hộ, tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay) ông làm việc ở đó cho đến ngày toàn quốc kháng chiến (1946). Khoảng thời gian đó ông dạy Sử, Địa, tiếng Việt, tiếng Pháp bậc cao đẳng tiểu học, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc trung học. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bổ nhiệm làm thanh tra Trung học vụ, rồi làm Hiệu Trưởng của trường Bưởi. Cùng với nhiều giáo viên, giáo sư khác, giáo sư Dương Quảng Hàm đã đem hết nhiệt tình, tài đức để góp phần xây dựng một nhà trường cách mạng mới, một nền giáo dục dân chủ mới. Là lớp giáo sư đầu tiên được đào tạo có hệ thống và cũng là lớp người đầu tiên tiếp cận với khoa học giáo dục Pháp, với cách giảng dậy mới, cho nên ngoài giờ giảng dạy ông còn vận dụng vốn tri thức Nho học và tân học đi sâu nghiên cứu kho tàng văn học Việt Nam theo phương pháp khoa học. Khi sưu tầm, nghiên cứu văn học ông quan tâm đến nhiều vấn đề văn hóa, lịch sử, học thuật có liên quan. Trong những năm từ 1920 đến năm 1945, Dương Quảng Hàm đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy vừa viết sách giáo khoa cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt. Như các sách: Leconsd`histoire d`An Nam ( 1927), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược ( 1926 soạn cùng Dương Tụ Quán) , Quốc văn trích diễn (1927) , Trung học Việt văn giáo khoa thư(1940), Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942) cùng nhiều bài viết đăng trên tạp chí với các bút danh Hải Lượng, Uyên Toàn. Song, có giá trị nghiên cứu rõ rệt là 2 cuốn Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Việt Nam văn học sử yếu là quyển văn học sử đầu tiên của nước ta bằng chữ quốc ngữ, có 48 chương, 11 thiên. đây là một giáo khoa thư dùng cho học sinh ba năm trung học, song là một công trình khoa học lớn, có giá trị về nhiều phương diện, cả học thuật và tư tưởng, cả tư liệu lẫn phương pháp nghiên cứu. Nó vừa là mở đường, vừa là khẳng định giá trị của một nền văn học trước đó còn chưa được nhiều người biết đến, lại vừa đặt nền móng cho việc xây dựng bộ môn lịch sử văn học nước ta. Dương Quảng Hàm là một trong những người đầu tiên phân chia các giai đoạn phát triển của nên văn học Việt Nam và đề cập khá đầy đủ đến cơ sở và ảnh hưởng của sự phát triển: ngôn ngữ văn tự, chế độ học tập, thi cử, ảnh hưởng của nước Pháp, Trung Hoa. Nhiều thế hệ học sinh đã nhờ sách đó mà hiểu được tính chất phong phú và đa dạng của nền văn học nước nhà. Có nhà nghiên cứu coi đó là cuốn cẩm nang trong việc nghiên cứu văn học sử. Cho đến nay, Việt Nam văn học sử yếu đã được tái bản trên 10 lần. Để nghi nhớ công ơn của người thầy giáo mẫu mực, người viết sách giáo khoa văn học, cũng đồng thời là người nghiên cứu lịch sử văn học uyên bác, ngày 14/7/1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viên Khoa học giáo dục và Viện Văn học đã tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học về Dương Quảng Hàm nhân 95 năm ngày sinh của ông. 4. Nguyễn Công Hoan - "Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm" Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 - 3 - 1903 ở làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và học thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối, những giai thoại mang tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích bọn tầng lớp quan lại tham lam, địa chủ cường hào, ác bá. Chính những thơ ca và giai thoại này đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới lối viết của ông sau này. Nhà văn Nguyễn Công Hoan Năm 1926, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm, ông làm nghề dạy học ở nhiều nơi như: huyện Nam sách, huyện Kinh Môn, thị xã Hải Dương tỉnh Hải Dương hay một số tỉnh như: Lào Cai, Quảng Ninh, Nam Định... cho đến khi Cách mạng thánh Tám thành công. Sau đó Nguyên Công Hoan giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc bộ. Ông gia nhập quân đội khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là biên tập viên báo Vệ Quốc quân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân dân học báo, là Giám đốc trường Văn hóa quân nhân. Từ năm 20 tuổi ông đã cho xuất bản tập truyện ngắn "Kiếp hồng nhan" và đến năm 32 tuổi( 1935) ông nổi tiếng với tập chuyện ngắn "Kép tư bền". Năm 1951 cho đến năm 1954 ông làm việc ở trại tu thư của ngành giáo dục, ở đây ông viết sách giáo khoa và biên soạn cuốn "Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950" và viết báo Giáo dục nhân dân, đó là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục thời bấy giờ. Những chi thức được ông đưa vào sách giáo khoa đã đáp ứng được và đủ yêu cầu quan trọng là dậy cho học sinh hiểu, nói, viết tiếng Việt đúng và tốt nhất. Từ sau năm 1954, ông trở lại chuyên nghề viết văn với cương vị Chủ tịch Hội nhà văn ( khóa đầu tiên) và là Ủy viên Ban thường vụ trong các khóa chấp hành Hội tiếp theo, đồng thời ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Công Hoan viết văn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngay những ngày đầu cầm bút ông đã xác định được hướng đi và phong cách viết của riêng ông. Ông chuyên viết về những đề tài phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ, sở trường là bút pháp hiện thực trào lộng. Các tác phẩm của ông đã vẽ lên bức tranh sinh động về xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác đầy những bất công, giả dối, quyền cao chức trọng nhưng tài hèn đức mọn, bọn địa chủ cường hào, ác bá luôn keo bẩn, bọn tư sản thì vô lương tâm chỉ luôn chạy theo đồng tiền và có lối sống đồi bại, bên cạnh đó ông rất thương cảm, bênh vực những người dân nghèo khổ quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn không đủ ăn còn bị đàn áp và bóc lột. Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán nhưng trong đó mang đậm tính chữ tình. Chính vì thế văn của ông được người đọc yêu mến và kính trọng. Tên tuổi của ông đã được ghi trong "Từ điển bách khoa toàn thư" của Liên Xô những năm 60. Tác phẩm in đầu tay "Kiếp hồng nhan" được viết năm 1920 và xuất bản năm 1923 là một đóng góp to lớn cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Cho đến truyện ngắn "Kép tư bền" viết năm 1927 và xuất bản năm 1935 thì ông đã thực sự trở thành một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng. "Kép tư bền" đã gây nên một chấn động lớn trên văn đàn, có 18 tờ báo từ Nam đến Bắc đăng bài khen ngợi. Nguyễn Công Hoan viết nhiều trong những năm 1920 đến 1945, truyện của ông chiếm khối lượng lớn, tiêu biểu phải kể đến tác phẩm "Bước đường cùng" ( tiểu thuyết, 1938), cuốn truyện ra đời vào lúc phong trào Mặt trận dân chủ lên cao, có sự ảnh hưởng rất sâu rộng. Chính quyền thực dân đã phải ra lệnh cấm lưu hành. Cùng thời điểm này cũng có nhiều các tác phẩm khác tiêu biểu như: Cô làm công (tiểu thuyết, 1936), Lá ngọc cành vàng (tiểu thuyết, 1934), Cái thủ lợn (tiểu thuyết, 1939), Phành phạch (truyện ngắn, 1939)... Ông là một nhà văn tài ba và tâm huyết với đời, với nghề, trong các tác phẩm của ông độc đáo từ cách nhìn soi rọi vào cuộc đời của những con người, ông lắng nghe và lọc từ trong đó ra những tấm bi kịch và đưa nó vào các tác phẩm. Năm 1977, Nguyễn Công Hoan qua đời tại Hà Nội, ông thọ 75 tuổi. Qua hơn 50 năm cầm bút, sự nghiệp văn học của ông khá đồ sộ. Ông đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm với hàng trăm truyện ngắn, truyện dài và nhiều tiểu thuyết, bút ký, tiểu luận về ngôn ngữ văn học. Các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần và hiện được chọn lại trong bộ tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập, nhà xuất bản Văn học 1983-1986). Nguyễn Công Hoan đã vinh dự là một trong 14 nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. 5. Người thầy của nền Mĩ thuật Cách mạng Việt Nam - Họa sĩ Tô Ngọc Vân Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906 tại Hà Nội, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, Tô Ngọc Vân là một cậu bé con nhà nghèo, quá tuổi mới được đến trường học chữ và rất yêu thích vẽ. Sau khi học hết năm thứ 3 trường Bưởi, Tô Ngọc Vân đã đỗ vào khoa sơn dầu của trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 20 tuổi. Những năm học ở đây, Tô Ngọc Vân hăng say tiếp nhận những kiến thức về nghệ thuật tạo hình mới của châu Âu, đặc biệt là lối sử dụng chất liệu sơn dầu. Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương. Sau đó cộng tác với các báo Nhân loại, Phong hóa, báo Ngày nay hay báo Thanh Nghị với bút danh là Tô Tử, Ái Mỹ. Ông được bổ nhiệm đi dạy học ở Sisovath- Phnom Phênh tại Cam-pu-chia trong những năm (1935-1939), trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương (1939-1945). Năm 1945 ông tham gia kháng chiến, phụ trách trường Mỹ thuật Việt Bắc. Từ năm 1935 đến 1945 có thể nói là giai đoạn "vàng "trong sáng tác của ông. Nhiều tác phẩm nổi tiếng ra đời trong thời kì này như: "Thuyền trên sông Hương" (sơn dầu - năm 1935), "Thiếu nữ bên hoa huệ" "Dưới ánh nắng - năm 1943", "Hai thiếu nữ và em bé"... Là một người không chỉ dùng cọ vẽ để thể hiện tinh thần dân tộc trong sáng tác nghệ thuật, ông còn viết báo bày tỏ quan điểm của mình, là một nhà phê bình mỹ thuật lớn và là họa sĩ tài danh nên các bài viết của của ông có sức hút lớn đối với giới trí thức. Ông viết: "nghệ thuật dân tộc, quan điểm về nghệ thuật, bước đầu hội họa Việt Nam hiện đại..." Tô Ngọc Vân – Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ. 1946, sơn dầu Cách mạng tháng 8 thành công mở ra chân trời mới và lay động tâm hồn người nghệ sĩ Việt Nam. Tô Ngọc Vân tham gia phong trào giải phóng dân tộc bằng chính con tim nhiệt huyết của mình. Tô Ngọc Vân bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946). Từ đó, ông tham gia cuộc kháng chiến với tất cả những nỗi trăn trở day dứt của một người nghệ sĩ chân chính. Đời sống thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đưa đến cho ông nhận thức mới về sự nghiệp nghệ thuật của dân tộc. Ông tham gia cải cách ruộng đất rồi đi chiến dịch, làm nhiệm vụ của một người chiến sĩ. Ông còn được giao trọng trách mở lớp vẽ để đào tạo ra nhiều cán bộ làm công tác mĩ thuật phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Ông từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Xưởng hoạ kháng chiến và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam. Với cây bút chì, tác giả Tô Ngọc Vân đã kí họa lại rất nhiều tác phẩm về những tháng ngày gian lao chống lại quân thù tại trận địa Điện Biên như vẽ anh du kích, bộ đội trên đường hành quân, vẽ những con người và thực tế kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Tô Ngọc Vân đã phát hiện được trong cái mộc mạc, giản dị của họ biết bao vẻ đẹp thiêng liêng và cao quý. Từ bức sơn mài Nghỉ chân bên đồi (1948), Hai chiến sĩ (1949) - màu nước, đến nhiều kí hoạ và phác thảo hoàn chỉnh được vẽ vào năm 1954 của ông như Đi học đêm, Con trâu quả thực, Lên đèo, Hành quân qua suối, Đèo Lũng Lô... Với tình cảm cách mạng, ông đã xây dựng thành công hình tượng con người mới trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Trên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh ngày 17 tháng 6 năm 1954 tại km 41 Ba Khe, bên kia đèo Lũng Lô. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân tuy ngắn ngủi nhưng những tác phẩm của ông để lại là những "viên gạch" đầu tiên tạo dựng nền móng vững chắc của hội họa dân tộc Việt Nam phát triển sau này. Ông để lại cho đời khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm trên 150 tranh và ký họa, nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một số các tác phẩm của ông đã được trao tặng giải thưởng cao quý của Quốc tế và của nhà nước. Đó là tác phẩm Bức thư (tranh lụa) được tặng bằng danh dự của Hội các hoạ sĩ Pháp và được thưởng huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Pa-ri năm 1932. Bên cạnh đó ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; thư khen của Bác Hồ (1952) và chiếc áo Bác Hồ tặng (1954). Là một trong 8 nghệ sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996) cho các tác phẩm: Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ - Sơn dầu (1946); Hồ Chủ tịch làm việc - khắc gỗ (1947); Bộ đội nghỉ chân bên đồi - Sơn mài (1948); Xưởng quân giới - Sơn dầu (1951); Bừa trên đồi - Bột màu (1953); Bộ tranh ký hoạ về nông dân cải cách ruộng đất (1953); Bộ tranh ký hoạ về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Nhớ người nghệ sĩ tài hoa, bậc thầy của hội họa Việt Nam, một người cán bộ cách mạng tận tụy đã hy sinh vì Tổ quốc, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ đầy tình cảm nhớ thương, nhan đề “Thăm nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân.” có đoạn : "... Bâng khuâng lại nhớ đến chàng Long lanh ánh mắt nở nang miệng cười Tuyệt vời Tô Ngọc Vân ơi! Tài hoa màu sắc cho đời nên tranh Mũ vải mềm mảnh áo xanh Nẻo quê, xóm núi bóng anh đi về Đường dài kháng chiến mải mê Chân anh nào biết phút tê tái lòng Anh đi để giọt máu hồng Dáng anh lồng lộng cánh đồng Điện Biên" Ông được đánh giá là một nghệ sĩ lớn, một tài năng và một tri thức yêu nước. Hơn thế, ông mãi là người thầy gần gũi, đầy nhiệt huyết có ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ. Các tác phẩm của ông không chỉ có đóng góp to lớn trong ngành văn hóa nghệ thuật, nền giáo dục mà còn thúc đẩy tinh thần yêu nước của cả một dân tộc. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện