29/11/2004 | lượt xem: 4 Huyện Văn Giang - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 1. Quan điểm phát triển 1.1- Phát triển nền kinh tế trên cơ sở khai thác nguồn lực và các lợi thế của huyện, lấy nội lực làm động lực phát triển chính, sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài để khai thác nội lực. 1.2- Tạo điều kiện tốt để đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, coi trọng vai trò của hộ gia đình trong quá trình đẩy mạnh các giải pháp nâng cao mức sống dân cư. 1.3- Phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong việc phát triển cấu trúc hạ tầng: đưởng giao thông, đường điện, thuỷ lợi, bệnh viện trường học, các dịch vụ công cộng nhằm từng bước nâng cao trình độ dân trí và sức khoẻ cho nhân dân. Tạo việc làm tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân được cống hiến và hưởng thụ các thành quả của sự phát triển. 1.4- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân, coi trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ để huy động nguồn vốn trong dân. 1.5- Phát triển nhanh, đảm bảo môi trường kinh tế - xã hội bền vững, lựa chọn cơ cấu kinh tế, cơ cấu lãnh thổ hợp lý với đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên của huyện. 1.6- Phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, trật tự an ninh xã hội. Xây dựng huyện mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng. 2. Các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Mục tiêu chung: Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nông nghiệp - nông thôn nói riêng. Thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo quy hoạch 2 vùng chính: vùng phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển đô thị và vùng công nghiệp tập trung. Khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của huyện, phát huy có hiệu quả các nguồn lực phát triển nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhanh chóng đưa Văn Giang trở thành huyện giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, an ninh, quốc phòng, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân trong huyện. Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 2004 - 2010) là 13,5%/năm. Trong đó: Nông nghiệp:4,57%/năm. Công nghiệp - xây dựng:22,2%/năm. Dịch vụ:18,6%/năm. Cơ cấu kinh tế (nông nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ) đến năm 2010 là: 26,0% - 36,0% - 38,0%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt trên 5 triệu đồng/người, năm 2010 đạt trên 10 triệu đồng/người. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt trên 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1%/năm. 100% hộ được dùng nước sạch vào năm 2010. 100% số phòng học được kiên cố cao tầng vào năm 2010. 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Tạo việc làm cho 95% số người trong độ tuổi lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào năm 2005, xuống dưới 2% năm 2010. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 3. Định hướng phát triển các ngành kinh tế Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Dự kiến năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đạt 189 tỷ đồng, năm 2010 đạt 524,3 tỷ đồng. Nhịp độ tăng trưởng của công nghiệp đạt 22,2%/năm cho cả thời kỳ 2001-2010. Phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp theo hướng hình thành một số khu vực công nghiệp tập trung để phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, tạo động lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí các ngành công nghiệp dệt may, điện tử, thuỷ tinh, sành sứ, cơ khí và công nghiệp chế biến tại 4 xã Vĩnh Khúc, Nghĩa Trụ, Long Hưng, Tân Tiến. Trước mắt, khai thác khoảng 100 ha đất của xã Vĩnh Khúc nằm trong vùng công nghiệp tập trung và lâu dài là KCN phia đông của huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển hai cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ và cụm chế biến nông sản, thực phẩm. Nông nghiệp Nhịp độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2001-2010 là 4,57%/năm. Trong đó tăng nhanh dịch vụ nông nghiệp và chăn nuôi. Trong thời gian tới, tập trung cho khâu chọn giống và cải tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng trang trại. Bên cạnh việc phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm, sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên các ao hồ và các cánh đồng không có điều kiện thâm canh, gối vụ, phát triển các hình thức nuôi trồng thuỷ sản mới như tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô phi... Thương mại-dịch vụ-du lịch Nâng giá trị sản xuất ngành dịch vụ từ 99 tỷ đồng năm 2000 lên 264,8 tỷ đồng vào năm 2005 và 555,2 tỷ đồng vào năm 2010. Nhịp độ tăng trưởng 5 năm đầu đạt 21,7%/năm, 5 năm tiếp theo đạt 15,5%. Tỷ trọng ngành dịch vụ năm 2005 đạt 35%, năm 2010 đạt 38%. Củng cố và phát triển thương mại quốc doanh, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ mặt hàng thiết yếu, đối với sản xuất và đời sống, trước hết tập trung ở khu vực thị trấn để trở thành trung tâm thương mại của huyện; ở các xã có cửa hàng làm đầu mối tiêu thụ cho trung tâm huyện. Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn liền với thương nghiệp - dịch vụ, tập trung xây dựng trung tâm thị trấn Văn Giang trở thành nơi phát triển giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hóa lớn trong khu vực. Trong tương lai sẽ xây dựng các khu vui chơi giải trí ven đô để phục vụ du lịch. Trước mắt quy hoạch 250 ha đất của 4 xã Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang, Cửu Cao thành khu du lịch sinh thái tập trung với đầy đủ các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao,... 4. Một số giải pháp chính Tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai phù hợp với tình hình phát triển và khai thác lợi thế mới hình thành. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Tích cực đầu tư cho khuyến nông, cung cấp cho nông dân các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt. Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả đề án chăn nuôi bò sữa , phát triển đàn lợn, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ bảo vệ thực vật, ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn. Tiếp tục nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Chỉ đạo thực hiện tốt chương trình hành động phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề huyện Văn Giang giai đoạn 2003 - 2010, dự án cụm công nghiệp làng nghề sản xuất gốm sứ Xuân Quan và làng nghề mây tre đan thị trấn Văn Giang. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào địa bàn huyện nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho người lao động. Đôn đốc các dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng để sớm đưa vào sản xuất. Làm tốt công tác quản lý, giám sát các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác quy hoạch phát triển nhà ở. Tập trung thực hiện tốt cơ chế Chính phủ cho phép sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh việc cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân nắm được quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch đất đai từ đó sẵn sàng dành đất tiếp nhận dự án. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ thương mại. Triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch sinh thái huyện Văn Giang giai đoạn 2003 - 2010 theo nghị quyết số 37 của Huyện uỷ. Mở rộng và nâng cấp các chợ, phối hợp thực hiện đề án xây dựng khu đô thị, thương mại, du lịch sinh thái ở các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao và thị trấn Văn Giang. Khuyến khích các nhà đầu tư, đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, tín dụng... nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu về dịch vụ, phục vụ khu công nghiệp, đô thị và nông thôn. Nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp thu thuế, các loại quỹ pháp lệnh giữa các ngành chức năng với các xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm luật ngân sách, tập trung cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt để khai thác tối đa các nguồn vốn, nắm bắt kịp thời và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân để phát triển sản xuất. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển lĩnh vực này. Thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa và chương trình giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội vệ sinh môi trường đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên nắm chắc diễn biến trong nội bộ nhân dân. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nhân dân hiểu đúng và tự giác chấp hành. Thực hiện tốt các chính sách, đổi mới cơ chế, tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ công chức. Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa theo quyết định số 181/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, củng cố những cơ sở yếu kém. Tăng cường quản lý Nhà nước về tài chính và đất đai, xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm.