Giới thiệu chung

Thực hiện Nghị định số 60-NĐ/CP ngày 24/7/1999 của Chính Phủ. Ngày 01-9-1999 huyện Văn Giang chính thức được tái lập, có 10 xã và 01 thị trấn. Trung tâm huyện lỵ là Thị trấn Văn Giang.

1- Vị trí địa lý:
          Vị trí địa lý: Văn Giang là huyện nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng. Phía Nam giáp huyện Khoái Châu, phía Đông Nam giáp huyện Yên Mỹ và huyện Văn Lâm của Hưng Yên. Phía BắcTây Bắc giáp huyện Gia Lâm, phía Tây giáp huyện Thanh Trìphía Tây Nam giáp huyện Thường Tín của thành phố Hà Nội. Có 11 đơn vị hành chính, gồm 10 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích 71,79 km2.
Đặc điểm địa hình: Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, huyện có địa hình tương đối bằng phẳng. Do nằm ở ven sông Hồng, chịu ảnh hưởng của 18 năm liền vỡ đê thời Tự Đức nên độ cao đất đai trong huyện không đồng đều và hình thành các dải cao thấp khác nhau theo dạng hình sóng. Đất có địa hình cao thuộc các xã Xuân Quan, Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Cửu Cao và thị trấn Văn Giang. Đất có địa hình thấp thuộc các xã Phụng Công, Long Hưng, Tân Tiến, Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc.
Với địa hình trên, Văn Giang có lợi thế trong việc phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện, đồng thời còn có tiềm năng phát triển đô thị.
2- Khí hậu, thuỷ văn:
Khí hậu: Văn Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt. Tuy nhiên nền nhiệt giữa các mùa không chênh lệch nhiều (trung bình hàng tháng là 230C). Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ dao động hàng tháng từ 250-280 . Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ dao động từ 150-210. Số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.450 giờ, lượng mưa trung bình 1.575 mm, độ bốc hơi bình quân 886 mm. Độ ẩm không khí từ 80-90%.
Có thể nói điều kiện khí hậu thủy văn rất thuận tiện cho Văn Giang phát triển sản xuất nông nghiệp, thâm canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Thuỷ văn: Trên địa bàn huyện có sông Hồng, sông Bắc Hưng Hải và các sông nhỏ như: sông Ngưu Giang, sông Đồng Quê, sông Tam Bá Hiển chảy qua rất thuận lợi cho việc cung cấp nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân toàn huyện.
3. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 71,79 km2 trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 50,32 km2 (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên); đất chuyên dùng: 12,31km2 (chiếm 17,1%); đất ở: 6,12 km2 (chiếm 8,7%), đất chưa sử dụng: 3,04 km2 (chiếm 4,2%).
Tài nguyên nước: Văn Giang có nguồn nước từ sông Hồng và sông Bắc Hưng Hải. Nguồn nước mặt đảm bảo cung cấp phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Hiện tại, nước cho sinh hoạt được lấy từ nguồn nước ngầm do dân và các tổ chức tự khai thác là chủ yếu. Nước cho sản xuất nông nghiệp được lấy từ các trạm bơm dọc theo hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
4- Dân số:
Dân số toàn huyện tính đến tháng 12/2009 là: 104.397 người, mật độ dân số trung bình 1.454người/1km2
5. Lễ hội, đặc sản và tiềm năng du lịch
Huyện có nhiều lễ hội như: hội Hai Bà Trưng, hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Đặc sản địa phương: bánh giày, bánh khúc, bánh tẻ, bánh cuốn....v.v.v.
Phát hiện mới tại Thôn Đông Khúc - Vĩnh Khúc - Văn Giang nghệ thuật hát ca trù độc đáo.
Huyện Văn Giang có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch nghỉ ngơi cuối tuần,... ở các xã dọc tuyến sông Hồng như Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, thị trấn Văn Giang, Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở.