XÃ LIÊN NGHĨA

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA XÃ LIÊN NGHĨA - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH HƯNG YÊN.

Trụ sở Đảng ủy, HĐND - UBND xã Liên Nghĩa

1. Giới thiệu khái quát vị trí địa lý tự nhiên – kinh tế.

Liên Nghĩa là xã nằm ở phía Tây huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 20 km. Phía Đông giáp các xã Long Hưng và Tân Tiến, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp các xã Thắng Lợi và Mễ Sở, phía Bắc giáp thị trấn Văn Giang. Xã Liên Nghĩa được thành lập từ năm 1946 trên cơ sở hợp nhất ba xã và hai ấp: Xã Đan Kim, xã Quán Trạch, xã Phi Liệt và ấp Vĩnh Tuy, ấp Bá Khê.

Dưới thời Gia Long (1802-1818) xã Liên Nghĩa thuộc tổng Phụng Công; phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổng Phụng Công gồm: xã Phụng Công, có các xóm Bến, Đại, Đào, Khúc, Ngò, Thép; xã Công Luận (Lọn); Sở Đan Nhiễm, xã Dương Liệt có xóm Thượng, Hạ; xã Phi Liệt (Ngàn); xã Xâm Khố; xã Tân Lang; xã Phù Liệt; xã Quán Trạch có hai xóm Giao Trì, Thụy Hương (Trầm); xã Đan Nhiễm có hai xóm Thượng, Hạ; xã Đan Kim (tách từ sở Đan Nhiễm năm 1909).

Những năm dưới thời Pháp thuộc đến năm 1945, các thôn của xã Liên Nghĩa vẫn thuộc tổng Phụng Công. Tổng Phụng Công thời kỳ này gồm 10 xã; Phụng Công, Phi Liệt, Dương Liệt, Tầm Tang, Sâm Khố, Công Luận, Đan Nhiễm, Đan Kim, Quán Trạch. Riêng ấp Bá Khê thuộc tổng Đa Ngưu.

Tháng 5/1946 xã Liên Nghĩa được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã và 2 ấp, đó là xã Đan Kim, xã Phi Liệt, xã Quán Trạch, ấp Vĩnh Tuy, ấp Bá Khê.

Ngày 06-6-1947 theo Nghị định số 79NV-QP/NgĐ Liên bộ nội vụ - Quốc phòng, huyện Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên. Vì vậy địa dư hành chính xã Liên Nghĩa được chuyển về huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên.

2. Diện tích; dân số: Tổng diện tích đất tự nhiên: 616,26 ha; trong đó diện tích đất canh tác chiếm 414,71ha; dân số: 11.613 nhân khẩu; dân cư tập trung ở 6 thôn gồm: thôn Đan Kim, thôn Phi Liệt, thôn Vĩnh Tuy, thôn AB Quán Trạch, thôn CD Quán Trạch và thôn Bá Khê.

3. Các nét đặc trưng, làng nghề, đặc điểm tình hình:

Xã Liên Nghĩa là vùng đất đai màu mỡ, nằm bên tả ngạn sông Hồng, giữ vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có gió mùa, địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 4 mét so với mặt nước biển và có nhiều đầm, hồ, ao do vỡ đê Phi Liệt 18 năm liền thời vua Tự Đức (1871-1889). Địa hình của xã Liên Nghĩa được chia làm hai khu rõ rệt: khu đồng trũng gồm: thôn Vĩnh Tuy, một phần đất của thôn Đan Kim và thôn AB Quán Trạch, còn lại diện tích đất cao.

Nhân dân Liên Nghĩa chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp: phát triển cây cảnh; cây triết ghép; cây ăn quả; câu dong….. Ngoài ra còn có các nghề tiểu thủ công nghiệp như: Nghề mộc; lề; cơ khí.

4. Truyền thống cách mạng; giá trị lịch sử, văn hóa; các di tích tiêu biểu:

- Mảnh đất Liên Nghĩa có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời, cùng với lịch sử hình thành của đất nước. Dựa theo truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung đời vua Hùng Vương thứ 18, cùng các di vật khai thác được trên địa bàn huyện Văn Giang như: trống đồng ở Cửu Cao và đốt xương cá voi ở Mễ Sở thì địa phận xã Liên Nghĩa nằm trong vùng có người Việt cổ sinh sống. Trải qua những năm tháng biến cố khắc nghiệt, trong quá trình khai thác, chế ngự thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm để xây dựng xóm, thôn đã hình thành lên tố chất của người dân Liên Nghĩa ngày nay đó là bản chất cần cù lao động và sáng tạo, có tinh thần đoàn kết, luôn biết đúc rút những kinh nghiệm trong lao động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, để chọn ra các loại giống cây trồng, vật nuôi tốt có hiệu quả kinh tế cao để phục vụ đời sống nhân dân.

- Ngoài việc trồng lúa và các loại cây hoa mầu như: ngô, khoai, sắn để nuôi sống con người, các nghề phụ như: lề, mộc, cũng phát triển ở các thôn với tính chất nhỏ lẻ. Đặc biệt thôn Đan Kim trước kia cả làng làm rế, một nghề phụ nhưng thu nhập về kinh tế rất cao. Các sản phẩm làm ra không những sử dụng trong gia đình phục vụ đời sống sinh hoạt còn bán ra các vùng lân cận và bán cả ra thủ đô Hà Nội.

- Vào những thập kỷ 70 – 80 thế kỷ XX, nghề phụ của xã Liên Nghĩa phát triển rất mạnh. Ngoài nghề làm rế của Đan Kim còn có nghề thêu ren, rệt thảm đay, thảm len phát triển rộng khắp trong các thôn, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

- Liên Nghĩa là một vùng quê văn hiến, có nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp còn lưu giữ và truyền lại đến ngày nay. Những tập tục đó mang đậm nét văn hóa làng Việt, người Việt, nhất là những tập tục mang đậm giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục trong sinh hoạt cộng đồng thôn, xóm (cây đa, giếng nước, sân đình) là biểu tượng gắn bó dân làng với truyền thống văn hóa nghĩa tình keo sơn. Làng nào của Liên Nghĩa ngày xưa cũng đều mang sắc thái của làng Việt cổ, thuần khiết. Với phong cảnh thiên nhiên và con người của Liên Nghĩa xưa và nay, với cảnh sống thanh bình và đời sống tinh thần rất phong phú, bằng bàn tay lao động cần cù, khéo léo, trí thông minh sáng tạo đã làm lên nhiều di sản văn hóa có giá trị. Hầu hết các công trình kiến trúc cổ trong xã đều mang sắc thái của nền văn hóa Lý – Trần. các đình, đền các làng trong xã phần lớn đều thờ Thành Hoàng làng và Đức Thánh Trần và những người có công với đất nước và dân tộc.

- Hiện nay trên địa bàn xã Liên Nghĩa có 5 đình; 5 chùa và 1 đền ở 6 thôn. 4 đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hầu hết các đình, đền và chùa của xã Liên Nghĩa đều được sử dụng làm cơ quan hoạt động của Đảng bộ, chính quyền của huyện và xã trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 17/8/1945 sân Đình Đan Kim được lực lượng Việt Minh và nhân dân xã Liên Nghĩa sử dụng làm nơi tổ chức lễ tế cờ cách mạng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến thành lập chính quyền cách mạng xã Liên Nghĩa. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc (1964 – 1972), đình làng Đan Kim được ủy ban hành chính huyện Văn Giang sử dụng làm trụ sở làm việc (1964-1966).

5. Các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã tăng 14,18%/năm. Cơ cấu kinh tế CN-TTCN là: 13,55%; dịch vụ - thương mại là 58,87% và nông nghiệp bằng 27,58%. Tổng thu nhập: 449.874.930.000 đồng. Thu nhập trên 1ha canh tác là: 315.400.000 đồng; Thu nhập bình quân đầu người: 41.084.000 đồng. (Số liệu năm 2016).

6. Xây dựng hệ thống chính trị toàn diện.

Cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong các giai đoạn cách mạng Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội nên hàng năm Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đều đạt trong sạch vững mạnh. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa và làng văn hóa được thực hiện tốt, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị giữ vững, nhân dân luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.