THỊ TRẤN VĂN GIANG
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA THỊ TRẤN VĂN GIANG - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH HƯNG YÊN
- Thị trấn Văn Giang nằm ở Trung tâm huyện Văn Giang
Diện tích: 684,36ha.
Dân số: 11.202 người, có: 3.144 hộ
Diện tích canh tác: 485,5 ha.
Là một thị trấn ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có đê ngăn nước lũ chạy dọc theo thị trấn dài 2,7 km. Thị trấn Văn Giang có địa thế cận thị, cận giang (cách Hà Nội theo đường chim bay 10km).
Thị trấn có 3 thôn, 1 phố nền kinh tế của nhân dân trong thị trấn sống bằng nông nghiệp kết hợp với ngành nghề dịch vụ.
+ Phía Bắc giáp xã Phụng Công.
+ Phía Nam giáp xã Liên Nghĩa.
+ Phía Đông giáp xã Long Hưng.
+ Phía Tây giáp đê Sông Hồng.
Với tổng diện tích tự nhiên là 684,36 ha, chiếm 9,5% so với tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó: Đất nông nghiệp 485,5 ha, đất phi nông nghiệp là 198,86 ha.
Toàn thị trấn có 11.202 nhân khẩu, với 3.144 hộ được phân bổ trên 3 thôn, 1 phố: Công Luận 1, Công Luận 2, Đan Nhiễm, phố Văn Giang. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 65,5%.
Cơ cấu kinh tế của xã: Nông nghiệp chiếm 27%. Công nghiệp - xây dựng chiếm 28% và Thương mại - dịch vụ chiếm 45%.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 2,7 %.
Hệ thống chính trị của thị trấn luôn được quan tâm củng cố, hoàn thiện. Đảng bộ thị trấn có 339 đảng viên, với 9 chi bộ, trong đó có 4 chi bộ thôn, phố, 01 chi bộ dân quân thường trực, 4 chi bộ nhà trường. Bộ máy chính quyền thị trấn được bố trí đủ các cơ cấu thành phần, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên được củng cố hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu đề ra. Nhất là tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên chấp hành, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thị trấn có hệ thống giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, nhân dân chịu khó sản xuất và kinh doanh. Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mạnh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, rau xanh, rau an toàn các loại và chăn nuôi.
Trong những năm qua, dưới sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân trong thị trấn, tình hình kinh tế - xã hội của xã đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế không ngừng được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Hệ thống giao thông trên địa bàn thị trấn không ngừng được nâng cấp, mở rộng và xây mới, kể từ khi tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, giao thương giữa các vùng miền.
- Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển mạnh. Các môn thể thao nhằm mục tiêu phát triển toàn diện, giúp cho thanh, thiếu niên tự xây dựng một lối sống trong sáng, lành mạnh để phát huy vai trò chủ động, tích cực phù hợp, đạt hiệu quả. Câu lạc bộ gia đình văn hóa thôn Đan Nhiễm được duy trì và hoạt động thường xuyên có hiệu quả.
- Giáo dục và đào tạo: Trường Mầm non đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, được Sở GD&ĐT tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường Tiểu học xếp thứ nhất trong huyện được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua xuất sắc” dẫn đầu khối thi đua huyện Văn Giang; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Trường THCS đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về phong trào giáo dục toàn diện từ năm 2011-2016.
- Toàn thị trấn có 03 Đình, 03 Chùa, 03 Đền và 01 Miếu: Trong đó Đình Hạ thôn Đan Nhiễm được công nhận di tích Quốc gia;
- Hàng năm từ ngày mồng 04 - 15/01 âm lịch các làng trong thị trấn đều tổ chức Lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn: Hội vật làng Công Luận, Hội rước thần Hoàng làng thôn Đan Nhiễm. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ những người có công với đất nước, xóm làng. Lễ hội cũng là hình thức giải trí giúp nhân dân quên đi những vất vả, khó khăn trong cuộc sống lao động.
- Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân thị trấn Văn Giang đoàn kết một lòng, vừa chiến đấu, vừa đẩy mạnh sản xuất. Trong quá trình chiến đấu hy sinh với sự tham gia của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thị trấn; là sự kế tục truyền thống vẻ vang của quê hương từ hàng nghìn năm lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân thị trấn nhanh chóng hội nhập với nền kinh tế thị trường trong thời kỳ đổi mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương.
Đến nay Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị và nhân dân thị trấn Văn Giang nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh cấp huyện.