Văn Giang - Lịch sử, Văn hóa

Văn Giang - Lịch sử, Văn hóa

Nằm ở Trung tâm Đồng bằng sông Hồng, Văn Giang là huyện ở cực Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, giáp với hai huyện Văn Lâm và Thanh Trì - Hà Nội. Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, mảnh đất Văn Giang từ bao đời nay đã được thiên nhiên ban tặng đất đai, sông nước trù phú.

Trên  địa bàn huyện Văn Giang có 31 di tích trong đó có 16 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như: chùa Mễ Sở, được khởi dựng thời Lê với nhiều mảng chạm khắc hoa văn đẹp, chùa hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ phong phú, tiêu biểu trong số đó là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay. Đây là một công trình điêu khắc gỗ đẹp nổi tiếng, có giá trị mỹ thuật cao còn tồn tại rất ít trên đất nước ta; đình Đa Ngưu - ngôi đình trăm cột, là một di tích đồ sộ còn khá hoàn chỉnh về kiến trúc và điêu khắc mĩ thuật; đình Triệu Đà, ngôi đình mang đậm nét kiến trúc cung đình Huế với diện tích khoảng 13.000 m².

Đình Phù Liệt, một danh thắng lịch sử

Nơi đây còn lưu giữ những di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa cùng những di vật có niên đại hàng nghìn năm tuổi gắn liền với truyền thuyết về Vua Đinh Bộ Lĩnh - người anh hùng dẹp loạn 12 sứ quân, mang lại thái bình cho đất nước. Đó là Đình làng Phù Liệt ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Tương truyền, vào khoảng đầu năm 967, khi dẹp loạn 12 sứ quân, đoàn quân của Đinh Bộ Lĩnh đi đến đầu làng Gềnh bến Phủ thì gặp nước chảy xiết, trời nắng rất to, đoàn thuyền phải xếp thành hàng để đợi lệnh vượt lên. Bỗng nhiên trên bầu trời có một vùng mây kéo đến bao phủ, kỳ lạ thay đám mây lại có năm mầu sắc rất sặc sỡ. Đinh Bộ Lĩnh nhìn lên bầu trời thấy cùng lúc đó xuất hiện một lùm cây lớn, gồm có bốn gốc đại thụ, ở giữa có bát hương hình gốc cây bương bốc khói đang cuộn tỏa. Thấy điềm lành, Đinh Bộ Lĩnh liền cho lập đàn tế lễ trời đất, xin phụ trợ dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ngài nguyện rằng, nếu chiến thắng được loạn, lập nghiệp đế vương, sẽ xin trở lại đây đền ơn, xây đền phụng thờ đời đời. Lời nguyện cầu đã thấu trời xanh, được phù trợ vào năm 968, khi đã dẹp xong loạn 12 sứ quân và lên ngôi Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã về lại đây xây đền thờ Ngũ vị đế vương. Biết ơn dân làng Gềnh đã tham gia giúp đỡ nghĩa quân và xả thân chiến đấu vì đất nước. Vua Đinh Bộ Lĩnh đã cho đổi tên làng Gềnh thành làng Phù Liệt với ý nghĩa là làng phù quốc giúp vua và chiến đấu oanh liệt với kẻ thù. Đình làng Phù Liệt hiện diện một cách uy nghi gồm năm tòa với kiến trúc hình chữ "Công", quay mặt hướng Đông Nam trên thế đất "long chầu". Đình thờ ngũ vị đại vương là Trung vương Hoàng đế, Nam phương Xích Đế, Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế và Bắc phương Hắc đế đại diện cho Ngũ hành. Trải qua thời gian và biến cố của lịch sử, ngôi đình hiện nay đã có nhiều thay đổi, năm tòa trước kia nay chỉ còn lại ba tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Đi từ ngoài vào là Nghi môn với hai cột trụ biểu, trên đỉnh đắp nổi bốn đuôi công chụm vào nhau, phía dưới có bốn ô vuông phía trong đắp nổi tứ linh, tứ quý. Bước qua con đường lát gạch là vào đến sân đình và khu Đại bái. Tại gian trung tâm đặt một nhang án thờ bằng gỗ từ thời Nguyễn được trạm trổ khá cầu kỳ: ba mặt nhang trạm đầu hổ phù, tứ quý, hoa dây, bao lên trạm hình rồng. Trên nhang án để đồ thờ tự như bát nhang, chân nến, hạc, phía trên treo bức đại tự bằng chữ Hán "Ngũ đế linh từ", hai bên đặt hai bàn thờ Hậu. Tòa trung có một gian kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng đầu hồi bít đốc. Hậu cung gồm ba gian kiến trúc kiểu vì kèo trụ rốn, vì được làm kiểu cụm rường đấu kê, có ba lối đi, cửa đi là cửa chính ở giữa, hai bên là hai cửa phụ. Trên phía nóc hiện còn giữ lại nhiều kiểu kiến trúc trạm khắc tinh xảo theo dạng đòn bẩy hiện mai hóa rồng rất mềm mại, uyển chuyển. Gian trung tâm tòa hậu cung đặt một khám thờ sơn son thếp vàng, mặt ngoài trang trí tứ quý, cuốn thư, diềm trên trang trí lưỡng long chầu nhật. Trong khám đặt năm pho tượng đất thờ ngũ đế ở tư thế ngồi đầu đội mũ. Theo lời các cụ phụ lão trong làng thì đây là những pho tượng đất có niên đại trên một nghìn năm tuổi được luyện theo kiểu đặc biệt với kỹ thuật luyện tinh sảo mà ngày nay đã bị thất truyền. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình này từng là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ Việt Minh và các bô lão trong làng bày binh bố trận đánh giặc Pháp đi càn bằng tàu chiến trên sông Hồng. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đình làng Phù Liệt cũng là nơi quân đội ta cất giấu súng đạn, lương thực quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền nam. Trước kia đình có năm gian lớn, từng là nơi huấn luyện của bộ đội đặc công sư đoàn 305. Mặc dù quy mô của ngôi đình không còn như cũ nữa nhưng trong tâm thức dân gian của bà con nơi đây vẫn đề cao vai trò của người có công với đất nước, với nhân dân Phù Liệt. Đình Phù Liệt không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của một vùng đất oanh liệt, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, nơi hội họp của các cụ cao niên trong làng. Hằng năm vào các dịp lễ, Tết, hội hè nhất là ngày hội chính của đền (ngày bốn tháng tư âm lịch), bà con trong vùng lại tập trung tại đây để ôn lại thuần phong, mỹ tục, truyền thống yêu nước của cha ông ta, tuyên truyền giáo dục cho con cháu về lòng yêu quê hương đất nước. Đó là một truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy để góp phần giáo dục cho con cháu và thế hệ trẻ hôm nay. Đình Phù Liệt đã được công nhận di tích lịch sử và không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà nó đã trở thành một danh thắng, một điểm đến đầy lý thú cho du khách thập phương xa gần hội tụ.

 

Đình Đầu và Đền Ngò xã Phụng Công

Xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thuộc vùng tả ngạn sông Hồng. Có trên 20 dòng họ đã sống định cư thành một quần thể làng xã. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng xã Phụng Công có biết bao thay đổi, diễn ra bao cuộc thăng trầm để rồi có được một quê hương như ngày nay.

Tên làng Phụng Công, theo truyền ngôn, có từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Các cụ già trong làng kể ràng: Vào năm 40 ( Canh Tý ) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định. Trên đường hành binh tiến đánh thành Luy Lâu ( Bắc Ninh ) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chì ngày ấy, có qua vùng đất này. Hào trưởng Trần Cảnh đã cùng nhân dân trại Ngô ( nay là làng Ngò) đốt đuốc trong đêm đón rước quân sĩ ở cánh Đồng Chầu, đào giếng lấy nước trong đêm (Giếng Dạ ) Phục vụ việc luyện binh, mở tiệc khao quân ở Bãi Yến, trai tráng trong làng  đua nhau theo Hai Bà ra trận ( ba địa danh trên vẫn tồn tại đến ngày nay). Cảm kích trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân, Hai Bà đã đặt tên “ Phụng Công’’ Cho vùng đất chúng ta (Phụng Công có nghĩa là có công phụng sự sự nghiệp của Hai Bà)

 Đền Ngò

Đền Ngò thờ Hai Bà Trưng, Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.

Đền được ông cha ta kiến tạo ngay đầu làng trong một khuôn viên thoáng rộng, đón gió bốn phương, cảnh sắc hài hoà, thâm nghiêm, tráng lệ. Mặt trước đền có hồ sen hình bán nguyệt, in hình bức bình phong lớn có dáng cuốn thư lượn hình cờ kiếm và long, ly, qui phượng. Trước cổng đền là hai cột trụ to, cao vuông vức khắc ghi hai hàng câu đối:

 - Phong Quận cựu binh uy vạn cổ anh thanh kinh Bắc địa.

 - Hương viên lưu hiển tích thiên thu linh ứng trần Nam bang.

      Đại ý là:

(Chiến công của nghĩa quân Châu Phong vang trời đất

Tiếng thơm của Hai Bà lừng lẫy đến muôn đời)

Tiếp đó là hai lầu tượng, trong đó tạc hình đôi voi chiến - Hai Bà cưỡi voi ra trận. Bên trong Đền có hoành phi, câu đối, bài vị, đồ tế tự… đều sơn son thếp vàng choáng ngợp sắc mầu. Hậu cung có hai ngai thờ cổ, tượng Hai Đức Vua Bà ngự trong khám lớn. Tượng cao chừng hơn một mét, đường nét điêu khắc tinh xảo, độc đáo. Với tư thế vươn nên phía trước, hai cánh tay tượng giơ cao ngang tầm mắt, dấu hiệu của chữ Tràng Khoát, dụ trước ba quân, giữ vững sơn hà. Tượng Hai Bà lồng lẫy trong bộ lễ phục màu hồng, toả ánh hào quang lung linh đèn nến.

Đền Ngò hiện còn lưu giữ được 18 sắc phong qua các triều đại từ thời Lê Cảnh Hưng. Đó là những văn liệu vô cùng quý giá.

Tháng 8-1945, Đền Ngó là nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn sau khi cướp chính quyền huyện Văn Giang tuyên bố chấm dứt chế độ cũ, chính quyền mới về tay nhân dân.

Nhiều năm tháng trôi qua, sau bao lần trùng tu, tôn tạo, đền Ngò vẫn giữ được vẻ  cổ kính năm xưa. Năm 1989, Bộ văn hoá đã cấp công nhận Đền Ngó là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, được Nhà nước bảo vệ.

Địa danh lịch sử Đền Ngò mãi mãi gắn liền với địa danh lịch sử Đồng Chầu, Giếng Da, Bãi Yến. Những địa danh đó đã đánh đấu những kỳ tích lớn lao của một thời kỳ lịch sử, ghi nhận công sức của người Phụng Công theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa.

 Đình Đầu

Đình Đầu được xây dựng cùng thời với Đền Ngò và đồng thờ phụng Hai Bà Trưng - Người anh hùng dân tộc. Đình Đầu to, đẹp, lộng gió đồng quê, cổ kính, rêu phong, trải sắc mầu năm tháng.

Cổng đình lồng đèn thao rủ, hai hàng câu đối nhắc nhở hậu thế trân trọng nếp nề. Đao đình uốn lượn cong lên hướng về tam sơn theo kiểu tứ linh chầu nguyệt bao trùm khu tiền lễ và hậu cung. Gian giữa khu tiền lễ bầy hương án, có đỉnh hạc, lư hương… Trên cao treo cửa võng sơn son thếp vàng. Bốn bức hoành phi rộng khắp các gian đình, mang 4 hàng chữ:

                      Trưng Thánh Vương  điện

                      Vạn cổ anh linh

                      Thăng long định đỉnh

                      Chính khí quang minh

Tất cả đã khái quát vẻ thiêng liêng thành kính của ngôi đình. Hai bên khu tiền lễ là hai hàng Bát bửu, gươm vàng uy nghi, trang trọng. Hậu cung có tượng Hai Đức Vua Bà tạc bằng đá quý theo mẫu hình Quốc gia ở đền Đồng Nhân – Hà Nội. Quanh đình có nhiều cây cổ thụ tràn trăm năm tuổi, toả bóng mát cùng ngôi đình trầm mặc ghi dấu ấn thời gian.

Những năm đầu hoà bình lập lại và những năm chống Mỹ, đình Đầu là địa điểm tổ chức nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ cấp xã, nhiều Hội nghị quan trọng của huyện Văn Giang. Năm 1970 cũng tại đình Đầu, Bộ y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo ngành Y toàn  miền Bắc do Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch chủ trì quyết sách những chủ trương lớn về y học trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu chống Mỹ cứu nước. 

Đình đầu có 18 sắc phong qua các triều đại và cũng bắt đầu từ thời nhà Lê. Năm 1989, Bộ văn hoá đã cấp bằng xếp hạng công nhận đình Đầu là di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia.

  

 Chùa Hưng Phúc ( Phú Thị - Mễ Sở)

 Chùa thường gọi là chùa Phú Thị, tọa lạc ở thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê và được trùng tu nhiều lần. Ngôi chùa hiện nay được trùng tu vào năm 1991.

Kiến trúc tòa thượng điện với hai gác chuông, trống ở nóc mái nhà tương tự chùa Pháp Vân (chùa Nành) ở Gia Lâm, Hà Nội. Đại hồng chung được đúc vào thời vua Minh Mạng.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa có nhiều pho tượng cổ bằng gỗ hoặc đất nung phủ sơn, như tượng Chuẩn Đề, tượng Địa Tạng (cao 1,08m); bộ tượng Thập Điện Minh Vương (cao 0,90m), tượng Cấp Cô Độc (cao 1,07m)... Điện thờ Mẫu được bài trí trang nghiêm, ở đây có tấm biển ghi 4 chữ “Phúc Đức Tại Mẫu”.

 Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Theo quyết định số 14 ngày 4 tháng 4 năm 1984

 Chùa Nhạn Tháp (Văn Giang, Hưng Yên)

 

Nhạn Tháp là một ngôi cổ tự nằm ở bãi sông Hồng thuộc xã Mễ Sở huyện Văn Giang – Hưng Yên, được xây trên nền cũ dinh quan Thái uý Trần Ngô Lương - một trong những tướng giỏi của nhà Trần đã trực tiếp đánh bại quân Nguyên - Mông ở trận Đông Bộ Đầu.

Đặc biệt là, trong chùa Nhạn có một sập đá tương truyền do quan Thái Uý trong một trận đi đánh Chiêm Thành mang về. Sập đá do nhiều khối đá lớn ghép lại nhẵn bóng đẹp không thể tả được, được các nhà chuyên môn đánh giá là to đẹp vào loại nhất nhì miền Bắc, nghe các cụ già trong làng nói: miền Bắc có 3 bệ đá thì bệ đá chùa Nhạn Tháp là to nhất, đẹp nhất.

 Xã Mễ Sở là nôi ca trù của vùng châu thổ sông Hồng. Ở đây có đền thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Hàng năm đền mở hội ba ngày vào tháng 2 âm lịch đều có hát ca trù tế tổ. Đây là quê hương của thi sĩ Chu Mạnh Chinh (1860-1905). Một người sành về “cầm, kì, thi, họa” với bài ca trù “Hương Sơn phong cảnh” còn truyền tụng đến ngày nay.

  

Ban thờ Mẫu

 

Bệ thờ cổ bằng đá từ thế kỷ 13 - báu vật quốc gia

 

   Chuông cổ

  

Cột kinh bia đã mòn mỏi rêu phong trơ mãi với mưa gió nắng và thời gian

 

Đức Thánh Trần

 Chùa ông Khổng

Chùa ông Khổng làng Công Luận 1 thờ Khổng Minh Không. Theo truyền thuyết Khổng Minh Không là một danh y có công cứu khỏi bệnh cho vua nhà Lý. Để trả ơn, nhà vua ban cho Khổng Minh Không được vào kho lấy đồng về đúc chuông. Khi chuông đánh lên, một con Trâu vàng tưởng là con nó chạy từ xa chạy tới. Trâu vàng lồng lên tìm kiếm khắp nơi mà không thấy con. Những vết chân dẫm đạp của trâu tạo thành sông Kim Ngưu, nơi nó nằm là làng Đa Ngưu (xã Tân Tiến). Chùa ông Khổng là một ngôi chùa đẹp. Hàng năm từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tết nguyên đán mở hội. Chùa ở ngay ven đê sông Hồng, gần ngã ba rẽ vào thị trấn nên khách du xuân về lễ phật, lễ thánh, xem hội rất đông.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
155 người đang online