Văn Giang Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo và sự ủng hộ của nhân dân trong huyện, ngành giáo dục và đào tạo Văn Giang đã vượt qua những khó khăn sau tái lập huyện năm 1999 đạt nhiều thành tích, luôn đứng trong tốp đầu các đơn vị về chất lượng giáo dục của tỉnh

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo và sự ủng hộ của nhân dân trong huyện, ngành giáo dục và đào tạo Văn Giang đã vượt qua những khó khăn sau tái lập huyện năm 1999 đạt nhiều thành tích, luôn đứng trong tốp đầu các đơn vị về chất lượng giáo dục của tỉnh.

          Thời điểm tái lập huyện, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học của các nhà trường. Tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp thấp; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh tốt nghiệp các cấp học ở mức “khiêm tốn”. Đặc biệt bậc học mầm non phần lớn không có điểm trường tập trung, phải học nhờ tại các di tích, nhà văn hóa các thôn. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn trong huyện tập trung đầu tư, xây dựng và củng cố hệ thống trường, lớp, đội ngũ giáo viên, từng bước ổn định cơ sở vật chất, nhân lực cho các cấp học trên địa bàn.

          Với chủ trương phát triển giáo dục trên cả 3 mặt: “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả”, huyện Văn Giang đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng cấp học, ngành học, trong từng giai đoạn như: Xây mới, sửa chữa phòng học, phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phổ cập giáo dục các cấp học; bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tích cực đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua trong ngành, bám sát nhiệm vụ từng năm học để thúc đẩy các hoạt động dạy và học. Bên cạnh đó, huyện làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục thông qua các hội, đoàn thể ở địa phương. Phong trào khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh ở các dòng họ đã thúc đẩy phong trào học tập trong từng gia đình, dòng họ đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo huyện quan tâm đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Theo đó thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo bằng việc triển khai mô hình trường học mới ở các cấp học tiểu học, trung học cơ sở; đổi mới cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; triển khai đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và hoạt động chuyên môn…

          Vượt qua những thử thách, các trường học có cơ sở vật chất khang trang bảo đảm đủ phòng học theo chương trình ở các cấp học; quy mô trường lớp được mở rộng, trong đó thành lập mới Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm ecopark tại Khu đô thị Ecopark; chuyển đổi 11 trường mầm non bán công sang công lập. Toàn huyện có 713 phòng học, trong đó phòng học kiên cố, cao tầng bậc mầm non đạt 59,8%, cấp tiểu học đạt 82%, cấp THCS đạt 96,7%, giáo dục thường xuyên đạt 100%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn các cấp học đạt 100%, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn bậc học mầm non đạt 56%, tiểu học đạt 88%, THCS đạt 57%. Huyện giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Đến nay huyện có 26 trường đạt chuẩn quốc gia.

          Là trường khó khăn nhất bậc học mầm non thời điểm tái lập huyện, Trường mầm non Thắng Lợi không có điểm học tập trung, phải học nhờ tại đình, chùa, nhà văn hóa các thôn; đội ngũ giáo viên không bảo đảm quân số đứng lớp, trình độ chuyên môn hạn chế. Tỷ lệ trẻ từ nhóm 2 tuổi đến 4 tuổi ra lớp thấp, thậm chí, có trẻ trong nhóm 5 tuổi đến lớp để hoàn thành chương trình học 26 tuần trong 2 tháng hè để bảo đảm điều kiện lên lớp 1. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, hiệu trưởng nhà trường vui mừng: Đến nay, trường được xây dựng 2 điểm trường khang trang, với tổng số 22 lớp ở các nhóm lớp, 100% giáo viên nhà trường đáp ứng được trình độ chuyên môn giảng dạy. Sau những cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường cùng sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp, năm học 2015 – 2016, trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được nhận cờ thi đua của Bộ giáo dục và Đào tạo.

          Chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà của huyện luôn đi lên và nằm trong tốp đầu của tỉnh. Tỷ lệ hoàn thành các môn học cấp tiểu học; học sinh có học lực khá giỏi cấp trung học cơ sở tăng hàng năm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt cao; điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10  tại các trường THPT trên địa bàn huyện thuộc tốp các trường cao nhất tỉnh. Nhiều học sinh cấp học THCS thi đỗ vào các lớp chuyên của các trường đại học, Trường THPT Chuyên Hưng Yên. Năm học 2010 - 2011, huyện Văn Giang chỉ đạt trên 60 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, thì năm học 2015 – 2016, hàng trăm giáo viên, học sinh giành giải trong các hội thi, cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia như cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật; giải toán trên máy tính cầm tay; các cuộc thi trực tuyến trên mạng internet; dạy học theo chủ đề tích hợp; vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiến; tìm kiếm tài năng toán học Việt Nam, tài năng Tiếng Anh toàn quốc…

          Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới, đồng chí Quản Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Bên cạnh sự quyết tâm, yêu nghề của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là sự quan tâm, đầu tư kịp thời của các cấp lãnh đạo tới sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn huyện. Ngành tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, soạn giảng; tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng cơ chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên có năng lực vào làm việc trong cơ quan quản lý giáo dục; tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục, không phân biệt công lập, tư thục trong quá trình hỗ trợ cho học sinh, giáo viên; khuyến khích các cơ sở giáo dục đủ điều kiện thực hiện các chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đài Truyền thanh huyện

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
26 người đang online