XÃ CỬU CAO

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA XÃ CỬU CAO - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH HƯNG YÊN

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Cửu Cao

Xã Cửu Cao là một xã thuộc vùng đồng bằng Châu Thổ sông Hồng.

Về vị trí địa lý: Xã nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Hưng Yên, phía Bắc của huyện Văn Giang.

+ Phía Đông giáp xã Tân Quang huyện Văn Lâm,tỉnh Hưng Yên.

+ Phía Bắc giáp xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm Thành phố Hà Nội.

+ Phía Tây giáp xã Xuân Quan, Phụng Công huyện Văn Giang .

+ Phía Nam giáp xã Long Hưng, Thị trấn Văn Giang,

Xã Cửu Cao có tổng diện tích đất tự nhiên là 443,19 ha.

Trong đó:  + Đất nông nghiệp 141,19 ha.

                  + Đất phi nông nghiệp là 302 ha.

Về giao thông xã Cửu Cao có đường ô tô cao tốc Hà nội – Hải phòng chạy qua, đường  379B thuận lợi cho việc giao thương với Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Xã gồm có 4 thôn:  Thôn Thượng; Thôn Nguyễn; Thôn Vàng; Thôn Hạ.

Năm 2017, Tổng dân số trong toàn xã hiện có 6.746 khẩu với 1.617 hộ.

Thôn có số dân cao nhất là thôn Hạ:  2333 khẩu; 549 hộ.

Thôn có số dân thấp nhất là thôn Vàng:  1224. khẩu; 238 hộ.

Cửu Cao là vùng đất cổ, được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, từ sớm đã có dân cư sinh sống và sớm hình thành nên các cộng đồng làng xã có quan hệ bền chặt.

Thời Hùng Vương – An Dương Vương, Cửu Cao cùng địa bàn Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh trong Nhà nước Văn Lang – Âu lạc.

Thời Đông Hán vùng này thuộc quận Giao Chỉ.

Thời nhà Tùy địa bàn xã thuộc huyện Tống Bình.

Huyện Tống Bình có địa giới hành chính tương ứng hiện nay là trung tâm Hà Nội và các huyện Hoài Đức, Thường Tín (Hà Nội), Thuận thành (Bắc Ninh), Khoái Châu (Hưng Yên) và một phần huyện Gia Lâm (Hà Nội), các huyện Văn Giang và Văn Lâm tỉnh Hưng Yên.

Lễ Hội truyền thống 08/02 âm lịch

Cửu Cao còn là vùng đất văn hiến, là quê hương của nhiều danh nhân, khoa bảng nổi tiếng được khắc tên vào bia đá tại Quốc Tử Giám Hà nội nh­ư:

Hoàng Đức Lương nguyên quán làng Gầu (Cửu Cao), trú quán tại làng Ngọ Kiều (Ngọ Cầu) Nay là thôn Ngọ Cầu, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9, Ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp).

Phí Mẫn Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 đời Lê Thánh Tông, làm quan Chánh sứ.

Trần Văn Bỉnh, người xã Cửu Cao Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Đoan khánh (1505) đời Lê Huy Mục làm quan Lễ bộ tả thị lang.

Vũ Hữu Nghiêm Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) đời Lê Tương Dực.

Nguyễn Nhĩ, 23 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Mạc Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh ông từng đi sứ sang nhà Minh làm quan đến chức Hộ bộ tả thị lang.

Đền Văn Chỉ nơi thờ 05 vị tiến sĩ thời nho học

Xã có 10 di tích văn hóa:

Trong đó Đình Cửu Cao được  công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với nhiều phong sắc của các triều đại, là một trong những Đình có diện tích lớn của tỉnh Hưng Yên:

Chùa Hạc Minh nằm trên địa bàn thôn Nguyễn, chùa được xây trong quần thể Đình - Chùa hình chữ nhị. Chùa Hạc Minh có giá trị văn hóa đặc sắc, trong Chùa  có tượng quý cổ mặc áo gấm. Có quả chuông đúc thời nhà Nguyễn Quang Toản.

Chùa Thắng Quang nằm trên địa bàn thôn Hạ, được xây dựng giữa Miếu Quan Đệ Nhất và Miếu Quan Đệ Nhị, Chùa đang được nâng cấp, cải tạo. Miếu Thượng, Miếu Nguyễn, Miếu Vàng, Miếu Hạ là nơi thờ thành hoàng Làng.

Đình xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Miếu Nghè là nơi thờ Công chúa tại chỗ thuyền bị đắm. Hoành phi Miếu Nghè ghi “Mẫu nghi Thiên Hạ”

Miếu Nghè xã Cửu cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Kinh tế của địa phương  phát triển vững chắc, ngành nghề dịch vụ thương mại phát triển mạnh, xã Cửu Cao có đặc sản bánh dày(Bánh dầy làng Gầu) đã được xếp vào các đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên như: rượu Trương Xá, tương Bần, Bánh cuốn Mễ Sở, Bánh tẻ Phụng Công ... bên cạnh đó nhân dân trong xã còn có nghề đan lát truyền thống mang lại giá trị thu nhập cao.

*Năm 2016;

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 13,7%.
  • Tổng giá trị sản phẩm: 242.258 triệu đồng.
  • Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36.5 triệu đồng/người/năm.
  •  tỉ lệ hộ nghèo 1,86%.

Quỹ tín dụng nhân dân xã Cửu Cao là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong và ngoài xã khi đến vay vốn, gửi tiền tiết kiệm và chuyển tiền. Năm 2016 vốn điều lệ hoạt động của quỹ là 2.157 triệu đồng, quỹ kinh doanh có hiệu quả đã góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế của nhân dân trong xã.

Tình hình an ninh chính trị ổn định, xã có 4/4 làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá.  3/3 trường đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia. Trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020. 

Đảng bộ xã Cửu Cao có 216 đảng viên, sinh hoạt tại 08 chi bộ (trong đó có 04 chi bộ thôn, 01 chi bộ An ninh03 chi bộ chuyên)

Xác định phương hướng trọng tâm là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết, giữ vững kỷ cương tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn xây dựng xã Cửu Cao giầu đẹp – văn minh. Đại hội Đảng bộ xã Cửu Cao khóa XXXIII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định mục tiêu “ Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sức lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chi bộ, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận, tích cực tuyên truyền nhân dân tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn”.

Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị và nhân dân xã Cửu Cao nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xã Cửu Cao phấn đấu năm 2017 đạt chuẩn Nông thôn mới.

Cổng Làng Vàng xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Một góc Nông thôn mới xã Cửu Cao

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
119 người đang online