15/06/2017 | lượt xem: 15 XÃ TÂN TIẾN KHÁI QUÁT VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA XÃ TÂN TIẾN - HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH HƯNG YÊN - Về vị trí địa lý: Xã Tân Tiến ở phía tả ngạn Sông Hồng, thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, ở phía nam của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. + Phía Bắc giáp xã Long Hưng, huyện Văn Giang. + Phía Nam giáp xã: Hoàn Long, Đồng Than (huyện Yên Mỹ) và xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu). + Phía Đông giáp 2 xã: Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang. + Phía Tây giáp xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang. - Xã Tân Tiến có tổng diện tích đất tự nhiên là 992,28 ha. Trong đó: + Đất nông nghiệp 657,33 ha. + Đất phi nông nghiệp là 334,95 ha. - Về giao thông: Có đường ô tô Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chạy dọc phí đông, đường tỉnh lộ 377 chạy dọc phí tây, đường tỉnh lộ 379, đường huyện lộ 22, 23 và 24. - Về thủy lợi: Có kênh Đông và kênh Tây thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải chạy dọc phí Đông và Tây của xã, có sông Tam Bá Hiển và sông Ngưu Giang chạy dọc phí Đông và giữa xã. - Xã có Chợ truyền thống thường gọi là Chợ Châu ở trung tâm xã. - Từ năm 2007, được UBND tỉnh quy hoạch chi tiết 2 cụm Công nghiệp là cụm CN sạch phía Tây (45 ha) và cụm CN nhẹ phía Đông (50 ha), đến nay đã và đang tiếp nhận hơn 10 dự án thuê đất để phát triển công nghiệp và dịch vụ thu hút nhiều lao động trong và ngoài địa phương. - Xã có 09 thôn, 03 ấp là: Thôn Hòa Bình Thượng, Hòa Bình Hạ, Vĩnh Lộc, Nhân Nội, Đa Ngưu, Đa Phúc, Bá Khê, Kim Ngưu, Phượng Trì và Ấp Đa Phúc, Ấp Bá Khê, Ấp Kim Ngưu. - Tổng dân số trong toàn xã (thời điểm cuối năm 2016) là 14.252 khẩu với 4.562 hộ. - Xã Tân Tiến được thành lập từ tháng 9/1947 trên cơ sở hợp nhất hai xã Quyết thắng và Phó Đức Chính. Xã Quyết Thắng thời Pháp thuộc trở về trước thuộc tổng Hòa Bình, (gồm các thôn Hòa Bình Thượng, Hòa Bình Hạ, Vĩnh Lộc và các thôn Ngân Hạnh, Đại Hạnh thuộc xã Hoàn Long ngày nay…). Tổng Hòa Bình thuộc phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Khi thực dân pháp đô hộ đã cắt tổng Hòa Bình về phủ Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, địa giới hành chính của xã có sự thay đổi lúc này các thôn Hòa Bình Thượng, Hòa Bình Hạ, Vĩnh Lộc được tách ra khỏi tổng Hòa Bình để thành lập xã Quyết Thắng thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Xã Phó Đức Chính thời Pháp Thuộc trở về trước thuộc Tổng Đa ngưu, gồm các thôn (Nhân Nội, Đa Ngưu, Đa Phúc, Bá Khê, Kim Ngưu và một xóm nhỏ Phượng Trì cùng với 3 ấp: Ấp Đa Phúc, Ấp Bá Khê, Ấp Kim Ngưu và một số thôn của xã Long Hưng ngày nay…). Tổng Đa Ngưu thuộc phủ thuận thành tỉnh Bắc Ninh: Sau cách mạng tháng 8/1945 địa giới hành chính được điều chỉnh, các thôn (Nhân Nội, Đa ngưu, Đa Phúc, Bá Khê, Kim Ngưu, Phượng Trì cùng 3 ấp: ấp Đa Phúc, ấp Bá Khê, ấp Kim Ngưu) tách ra khỏi Tổng Đa Ngưu để thành lập xã mới lấy tên là xã Phó Đức Chính. - Qua các cuộc kháng chiến dành độc lập, nhân dân Tân Tiến đã góp một phần không nhỏ vào sức mạnh vô địch của nhân dân ta làm nên những chiến công lẫy lừng trong sử sách. Truyền thống yêu nước của người dân nơi đây lại được phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX. Cuối năm 1941, Tân Tiến nằm trong vùng an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ tạo điều kiện để cán bộ và nhân dân tiếp cận nhanh chủ trương, chính sách của Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Việc phát triển lực lượng có nhiều thuận lợi, hầu như thôn nào cũng có cơ sở cách mạng, trong đó có các gia đình tiêu biểu như: Ông Bùi Văn Diệp, Bùi Thiện Dương (ở thôn Hòa Bình Hạ), Ông Bùi Văn Ngọc (Trần Văn Ngọc), bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn Vĩnh Lộc). Là xã có phong trào Du kích Hoàng ngân phát triển sớm và có nhiều người tham gia, đã tổ chức đánh địch, chống càn và phối hợp bộ đội địa phương đánh nhiều trận thắng lợi. - Tân Tiến là quê hương có truyền thống hiếu học, ở thời kỳ phong kiến Tân Tiến có nhiều người đỗ đạt khoa bản thứ hạng cao, có người được bổ nhiệm giữ các chức sắc quan trọng trong triều đình phong kiến. ở thể kỳ 13 có Trạng nguyên Nguyễn Tư, thế kỷ 15 có Tiến sỹ Nguyễn Thừa Ưng người làng Đa Ngưu, thế kỷ 18 có tiến sỹ Lê Vĩ người làng Hòa Bình. Tên tuổi của các cụ được khắc trên bia đá nay còn lưu giữ ở Văn miếu quốc tử giám, Hà Nội. Cuối thế kỷ XX có Tiến sỹ: Nguyễn Văn San ở làng Nhân Nội, Nguyễn Thế Hưng ở Phượng Trì, Chu Văn Chuông ở Làng Hòa Bình, Nguyễn Văn Thanh ở làng Đa Ngưu. - Nền kinh tế của nhân dân trong xã từ những năm 2000 trở về trước chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trồng cây lương thực và lúa nước. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay đã phát triển theo cơ chế thị trường, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô trang trại, tập chung, chuyên canh đạt giá trị kinh tế cao và vững chắc; ngành nghề dịch vụ, thương mại phát triển nhanh (như nghề may gia công túi, cặp da, thợ mộc, thợ nề, gò hàn, cơ khí sửa chữa và trồng hoa, cây cảnh, trồng cam, quất cảnh, trồng cây lấy quả như nhãn, bưởi, ổi phát triển với diện tích lớn) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016 giá trị thu hoạch trên 1 ha đất canh tác đạt 270.000.000 đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 37.000.000đ/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 2,5%. Có 3 tổ chức kinh tế HTX là: HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp, HTX dịch vụ điện nông thôn và Quỹ tín dụng nhân dân xã Tân Tiến hoạt động có hiệu quả phục vụ nhân dân trong xã và góp phần đắc lực phát triển kinh tế, xã hội của xã. - Tình hình an ninh chính trị luôn ổn định, xã có 12/12 làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa. 2/3 trường đạt Chuẩn Quốc gia. - Hiện nay, Đảng bộ có 508 đảng viên, sinh hoạt tại 17 chi bộ (trong đó 12 chi bộ thôn và 5 chi bộ chuyên). - Xã có 6 di tích được xếp hạng (Trong đó 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Đình 100 cột thôn Đa Ngưu, Đình làng thôn Nhân Nội và 04 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh gồm Đình, Chùa thôn Hòa Bình Thượng, Đình làng thôn Vĩnh Lộc, Đình Chùa Thôn Bá Khê, Đình làng thôn Kim Ngưu) và 01 Nhà tưởng niệm người chiến sỹ yêu nước Phó Đức Chính (Phó đảng trưởng Quốc dân đảng cùng với đảng trưởng Nguyễn Thái Học thực hiện cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930).