15/06/2017 | lượt xem: 11 XÃ PHỤNG CÔNG GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN SỐ VÀ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CỦA XÃ PHỤNG CÔNG-HUYỆN VĂN GIANG TỈNH HƯNG YÊN Xã Phụng Công nằm về phía Tây Bắc của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.Phía Tây Bắc giáp xã Xuân Quan. Phía Đông giáp xã Cửu Cao. Phía Nam giáp Thị trấn Văn Giang và đường 179. Diện tích tự nhiên: 488,75 ha ( Trong đó có 238,16 ha đã có Quyết định thu hồi đất xây dựng Đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên và Khu đô thị Văn Giang). Toàn xã có: 7.171 nhân khẩu, với 1.901 hộ sinh sống trên 6 thôn: Thôn Tháp, Thôn Khúc, Thôn Đại,Thôn Đầu, Thôn Ngò, Thôn Bến. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 62,1 %. Cơ cấu kinh tế của xã: Nông nghiệp: 39%. Tiểu thủ CN: 11%; DVTM: 50%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016: 0.9%. Phụng Công là xã có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao thương với các địa phương trong nước, gần trung tâm thành phố Hà Nội và nằm trong trục phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Xã có truyền thống cách mạng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2003. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, TTCN, dịch vụ thương mại phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao, cả 3 nhà trường đều đạt và giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, nhà văn hóa …. được hoàn thiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2015 xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ có 243 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ. Ban chấp hành Đảng ủy có 15 đồng chí trong đó có 5 đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy. Tên làng Phụng Công, theo truyền ngôn, có từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Các cụ già trong làng kể rằng: Vào năm 40 ( Canh Tý ) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định. Trên đường hành binh tiến đánh thành Luy Lâu ( Bắc Ninh ) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ ngày ấy, có qua vùng đất này. Hào trưởng Trần Cảnh đã cùng nhân dân trại Ngô ( nay là làng Ngò) đốt đuốc trong đêm đón rước quân sĩ ở cánh Đồng Chầu, đào giếng lấy nước trong đêm (Giếng Dạ ) phục vụ việc luyện binh, mở tiệc khao quân ở Bãi Yến, trai tráng trong làng đua nhau theo Hai Bà ra trận ( ba địa danh trên vẫn tồn tại đến ngày nay). Cảm kích trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân, Hai Bà đã đặt tên “ Phụng Công’’ Cho vùng đất này (Phụng Công có nghĩa là có công phụng sự sự nghiệp của Hai Bà). Đền thờ Hai Bà Trưng được nhân dân trong xã lập trên mảnh đất thiêng nơi đón rước Hai Bà và quân sỹ. Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng 4 âm lịch. Lễ rước hội truyền thống được tổ chức 5 năm một lần vào các năm chẵn. Xã có 9 điểm tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó có 3 khu Di tích lịch sử được công nhận. DTLS cấp quốc gia: Đền Ngò và Đình Đầu thờ Hai Bà Trưng. DTLS cấp tỉnh: Đình Bến thờ sứ quân Lã Tá Đường, một trong mười hai sứ quân trấn giữ vùng Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên). Là người đã giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi ngài hóa đã được nhân dân tứ thôn trong xã lập Đền thờ. Xã có nghề truyền thống sản xuất bánh tẻ ( bánh răng bừa), là một đặc sản ẩm thực mang nét đặc trưng của địa phương. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và nhiều lần đoạt giải thưởng tại các cuộc thi ẩm thực trong nước. Sản phẩm được đưa đến các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Ngoài ra xã còn có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh lâu đời được nhân dân gìn giữ và phát triển, sản phẩm của làng nghề được thị trường trong và ngoài nước yêu chuộng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân địa phương. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Phụng Công đã đoàn kết, nỗ lực để xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công và sự nghiệp giáo dục để xây dựng một Phụng Công theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Phụng Công khóa XXIII: “ Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, xây dựng Phụng Công ngày càng phát triển giàu mạnh”.